Bất động sản tiếp tục dẫn đầu thị trường trái phiếu

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 81 có hiệu lực khiến lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 4/2020 giảm tốc khá mạnh. Tuy nhiên, số lượng TPDN tính chung cả năm 2020 vẫn là con số “khủng” với 455.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% GDP Việt Nam.

So với quý 4/2019, số lượng TPDN được phát hành trong 3 tháng cuối năm 2020 giảm mạnh tới 37%, phát hành thành công 45.000 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 455.000 tỷ đồng, tăng 48,4% so với lượng phát hành năm 2019. Trong đó, chỉ có 23.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 5,2% tổng lượng phát hành. Còn lại 94,8% tổng số trái phiếu đều là phát hành riêng lẻ.

Tổng lượng TPDN lưu hành ước tính khoảng 960.000 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cuối 2019. Quy mô thị trường TPDN tăng liên tục trong những năm gần đây, hiện chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam.

Có thể thấy, thị trường vốn của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong năm vừa qua. Tổng quy mô thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) đã tăng lên 97,2% GDP, thu hẹp khoảng cách so với quy mô kênh tín dụng ngân hàng (115% GDP).

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn chiếm lĩnh “ngôi vua” với 182.600 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường. Tiếp sau là nhóm ngành ngân hàng với 130.600 tỷ đồng trái phiếu phát hành, chiếm 28,7% toàn thị trường.

20 doanh nghiệp BĐS phát hành nhiều nhất trong năm 2020. (Nguồn SSI Research)

20 doanh nghiệp BĐS phát hành nhiều nhất trong năm 2020. (Nguồn SSI Research)

Lượng trái phiếu BĐS phát hành 4 tháng cuối năm 2020 chỉ là 22.600 tỷ đồng, bằng 38% lượng phát hành của riêng tháng 8/2020 và bằng 12,4% lượng phát hành cả năm 2020 (trong khi 4 tháng cuối năm 2019 là cao điểm phát hành trái phiếu BĐS với lượng phát hành chiếm 47% cả năm 2019). Diễn biến này không bất ngờ khi kể từ 1/9/2020, theo Nghị định 81, các lô phát hành riêng lẻ phải cách nhau tối thiểu 06 tháng, tổng dư nợ phát hành không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu và các điều kiện về hồ sơ phát hành chặt chẽ hơn.

Kỳ hạn bình quân năm 2020 của trái phiếu BĐS là 3,95 năm - tăng nhẹ so với 3,91 năm của năm 2019, đặc biệt tăng mạnh trong quý 3 và quý 4. Các lô phát hành trong tháng 8/2020, tháng phát hành nhiều nhất trong năm, có kỳ hạn bình quân lên tới 4,6 năm.

Đáng chú ý, lượng trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu khá lớn. Trong năm 2020, có 35.700 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS phát hành mới không có tài sản đảm bảo, chiếm 19,6% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành. Trong đó, các tổ chức phát hành nhiều nhất là CTCP BĐS HANO-VID; CTCP BĐS Mỹ; CTCP TM-QC-XD Địa ốc Việt Hân; TNR holdings… Con số thực tế có thể lớn hơn do có khoảng 57.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS thiếu thông tin về tài sản bảo đảm trong bản công bố thông tin.

Theo KH&ĐS
back to top