Bất động sản: Kịch bản nào cho đến cuối năm?

(khoahocdoisong.vn) - Một số chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản từ giờ đến thời điểm cuối năm 2020 sẽ rất khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19.

Có dịch, vẫn có thể tăng cung

Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm 2020 trông ngóng những đột phá hơn nữa để thực sự hồi phục, phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần 2 ập đến khiến khả năng hồi phục của thị trường BĐS khó đoán hơn.

Trước đó, tại báo cáo thị trường BĐS nhà ở quý 2/2020, CBRE Việt Nam dự báo, tại TPHCM, tới cuối năm 2020, nguồn cung chào bán sẽ được cải thiện dần và đạt khoảng 18.000 căn cho cả năm, giảm 32% so với năm 2019. Lượng căn hộ này đã tính đến nguồn cung từ các dự án quy mô lớn. Sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao.

Về khu vực, phía Đông sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường, với nhiều dự án mới tại khu vực Quận 2 và Quận 9. Giá bán trung bình toàn thị trường được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án trung cấp dự kiến có mức tăng giá khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước do mức giá đã tăng nhanh trong hai quý đầu năm. Lượng giao dịch dự kiến đạt hơn 16.000 căn cho cả năm, giảm 45% so với năm 2019, do tác động của dịch.

Tương tự, DKRA Vietnam cũng đã dự báo thị trường quý 3 và quý 4/2020 sẽ có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm, các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9…

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 2, dao động ở mức 4.000 - 5.000 căn. Sức cầu chung toàn thị trường có thể duy trì xu hướng tăng như ở quý 2/2020. Khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỷ trọng cung lớn. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C vẫn khan hiếm.

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ giảm nhẹ so với quý 2/2020, dao động ở mức 400 - 600 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường có thể duy trì xu hướng hồi phục từ cuối quý 2 nhưng khó có sự gia tăng đột biến.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung condotel có thể sẽ tăng đạt mức 1.000 - 1.500 căn, biệt thự biển duy trì mức tương đương như quý 2, dao động từ 100 - 200 căn. Các dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Phú Quốc, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa đột biến trong ngắn hạn.

Kỳ vọng vào giai đoạn tới

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo KH&ĐS về diễn biến của thị trường BĐS sau khi Covid-19 bùng phát lần 2. Ông Nguyễn Hoàng, đại diện DKRA Vietnam cho biết, hiện tại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán định, những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh đến thị trường cũng rất khó lường.

“Nếu phải có một đợt giãn cách xã hội lần 2 (lần 1 vào đầu tháng 4), thị trường sẽ tiếp tục tạm dừng. Trạng thái “ngủ đông” này có thể sẽ còn kéo dài hơn lần trước do các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng, dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh. Tuy nhiên, tôi tin rằng chính quyền và TPHCM đang có những động thái quyết đoán để kiểm soát tốt và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, từ đó các hoạt động kinh tế xã hội sẽ ổn định hơn so với giai đoạn đầu năm”, ông Nguyễn Hoàng nhận định.

Còn ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG cho rằng, nhìn tổng thể từ giờ đến cuối năm thị trường BĐS chưa thề ổn định. Người mua vẫn giữ tâm lý dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Nên 50% trong số đó, dù có nhu cầu nhưng chưa sẵn sàng "xuống tiền".

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2022, bởi các thương vụ M&A vẫn đang diễn ra và có chiến lược dài hạn.

Cũng theo ông Khương, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án BĐS, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Như gói tín dụng 250.000 tỷ đồng (tương đương 10.6 tỷ USD), hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư… với những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây, sẽ là công cụ hỗ trợ, đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực BĐS, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, BĐS Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế, thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ví dụ như quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn; nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… Đây chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm khi tìm đến đầu tư ở Việt Nam và cũng là điểm "sáng" của thị trường trong thời điểm sắp tới.

Tuy nhiên, ông Khương cũng thừa nhận đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch bởi tác động của dịch bệnh.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, thị trường BĐS còn nhiều triển vọng phát triển trong giai đoạn từ 2021 trở đi. Tuy nhiên, từ giờ đến thời điểm cuối năm 2020 được điều chỉnh nghiêng về kịch bản khó và rất khó do còn chịu tác động của dịch Covid-19.

Về tổng thể, kịch bản suy giảm vẫn là chủ đạo, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhà đất được đánh giá là thấp và thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2020 vẫn được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.

Theo Đời sống
back to top