Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hút dòng tiền

(khoahocdoisong.vn) - Các hiệp định thương mại tự do (FTAs), chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ cũng là một chất xúc tác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam. Trong khi đó, các khu vực công nghiệp trọng yếu như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh... ngày càng thiếu hụt nguồn cung.

Doanh nghiệp đua mở rộng quỹ đất công nghiệp

Theo đơn vị tư vấn toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), dịch Covid-19 dù gây ra khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất vốn đã được đẩy nhanh từ những căng thẳng thương mại.

Việt Nam, với lợi thế địa chính trị, cùng nguồn lực và thể chế tài chính tốt, đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Ông C.K Tong, Tổng Giám đốc Công ty BW Industrial cho biết, hiện BW Industrial đã nhận được khá nhiều lời yêu cầu thuê đất, nhà xưởng, nhà kho từ những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu. Đáng chú ý là những doanh nghiệp này cũng đã có nhà xưởng đặt tại Trung Quốc.

Trong khi đó, CBRE Việt Nam cho biết, hiện giá thuê đất công nghiệp đang tăng ở mức chưa từng có. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM dẫn đầu mức tăng giá thuê, còn mặt bằng chung các thủ phủ khu công nghiệp (KCN) phía Nam và phía Bắc giá thuê đất đều tăng 20 - 30%. Nguyên nhân khiến giá cho thuê tăng ngoài nhu cầu tăng còn đến từ việc hạn chế nguồn cung.

Thiếu nguồn cung bất động sản (BĐS) KCN cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ đua mở rộng quỹ đất, tạo tiền đề xây dựng trong tương lai. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào BĐS trong 11 tháng năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực BĐS KCN và BĐS bán lẻ chiếm đến 1/3 trong tổng số hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài vào BĐS được cấp phép mới trong 11 tháng năm 2020. Số liệu sơ bộ các dự án đầu tư nước ngoài vào BĐS công nghiệp và BĐS bán lẻ đạt trên 400 triệu USD vốn đăng ký mới, chưa kể 113,5 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm cho các dự án đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), quỹ đất sẵn sàng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước không còn nhiều, do đó các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất trong năm 2021.

Đơn cử như Tập đoàn Vingroup đang có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD cho KCN Nam Tràng Cát 200ha và KCN Thủy Nguyên 319ha (đều tại Hải Phòng), dự kiến đi vào hoạt động năm 2021. Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) cũng dự tính đưa KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh quy mô 238ha tại Bắc Ninh vào hoạt động trong quý 4/2021. Công ty TNI Holdings Việt Nam - thành viên của tập đoàn TNG - sẽ khai trương KCN Sông Lô 1 với diện tích 177ha tại tỉnh Vĩnh Phúc…

Báo cáo ngành cập nhật mới đây của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 369 KCN được thành lập; tổng diện tích 113,300ha; diện tích thương phẩm 73,600ha. Trong đó, KCN đang hoạt động là 280 khu; tổng diện tích 82,800ha; diện tích thương phẩm 56,600ha; tỷ lệ lấp đầy 70,1%. Còn 89 KCN đang xây dựng; tổng diện tích 30,500ha; diện tích thương phẩm 16,300ha.

3 xu hướng phát triển BĐS KCN

Đánh giá triển vọng BĐS KCN  trong năm 2021, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, vốn FDI thực hiện và đăng ký mới mặc dù vẫn ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên đã có xu hướng tăng, cải thiện so với các tháng đầu năm 2020 nhờ đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Chỉ số FDI/GPD của Việt Nam ở mức cao nhất (6,2%) trong khu vực cho thấy, Việt Nam vẫn là một địa điểm thu hút FDI nổi trội so với các nước cùng khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia một loạt FTAs, bao gồm EVFTA, hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ cũng là một chất xúc tác thu hút đầu tư.

Ngoài ra, chi phí nhân công ước tính của Việt Nam cho các hoạt động sản xuất khá cạnh tranh so với mức chung của khu vực. Chính phủ cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam khi thành lập các KCN, khu kinh tế, chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam ở mức trung bình khu vực.

Đồng quan điểm, ông C.K Tong tin thị trường BĐS KCN Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 - 10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng của các nhà đầu tư mới và hiện hữu.

Trong khi đó, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, phân khúc này đang thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Covid-19 gây khó khăn hơn trong việc di chuyển đến thị trường Việt Nam, khiến họ mất thời gian hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Còn theo CBRE Việt Nam, từ năm nay trở đi thị trường sẽ lộ diện 3 xu hướng. Đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.

Thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi việc thuê kho bãi đáp ứng làn sóng bùng nổ thương mại điện tử.

Cuối cùng là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.

CBRE cũng cho rằng các KCN ở các tỉnh xa vùng kinh tế, như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc và Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Đây là các địa phương có quỹ đất dồi dào với tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, giá thuê đất ở các tỉnh xa vùng kinh tế chỉ khoảng 50 - 150 USD/m2/kỳ thuê, thấp hơn so với mức giá 60 - 300 USD/m2/kỳ thuê ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế.

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top