Bất động sản cho thuê chịu tổn thất lớn vì dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 đang phủ bóng lên toàn bộ các phân khúc của thị trường bất động sản. Trong đó, bất động sản cho thuê đang chịu tổn thất nặng nề vì không có khách thuê.

Sức ép lớn với nhà đầu tư

Theo ghi nhận, trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM, hàng loạt mặt bằng cho thuê tại khối đế tòa nhà cao tầng và nhà phố, kể cả căn hộ chung cư cũng bị khách thuê trả lại. Chủ nhà sau đó treo bảng cho thuê cả tháng nhưng cũng không có ai hỏi thăm, dù giá cho thuê đã giảm mạnh.

Liên hệ lại số điện thoại cho thuê mặt bằng tại quận 3, TPHCM mà trước đó ghi nhận chủ nhà này chỉ giảm “chút đỉnh” để có khách thuê sau khi khách cũ trả mặt bằng thì được biết, hiện giá thuê đã giảm 15 triệu đồng/tháng cho diện tích rộng 70m2. Trước đó hơn 1 tháng, chủ nhà này vẫn khăng khăng giá thuê phải là 90 triệu đồng/tháng.

Tương tự, một chủ nhà đang sở hữu mặt bằng đã trống gần 1 tháng nay trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận hiện đã giảm giá thuê từ 50 triệu đồng/tháng xuống còn 40 triệu đồng/tháng.

Một chủ mặt bằng có diện tích hơn 130m2 tại đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận đã hạ giá thuê từ 10.000USD xuống còn 7.500USD/tháng. Khi thương lượng, chủ này giảm thêm 1.000USD, tức còn 6.500USD cho ai thiện chí thuê.

Chị H., chủ căn hộ có diện tích 120m2 tại đường Phổ Quang, Quận Tân Bình cho biết, sau khi đã đồng ý giảm giá thuê căn hộ cho khách thuê nhưng cũng chỉ “kéo chân” họ thêm được 1/2 tháng, nay thì khách đã trả lại căn hộ vì không có khả năng để tiếp tục thuê. Hiện chị H. đã treo biển cho thuê nhưng chưa tìm được khách.

Theo báo cáo của JLL, tác động trực tiếp của dịch bệnh là tương đối dễ thấy, dựa trên số sự kiện bị hủy bỏ, các văn phòng và nhà máy tạm đóng cửa, cũng như trước việc cách ly và hạn chế đi lại, những tác động gián tiếp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Điều này đang khiến các nhà đầu tư bất động sản cho thuê đứng trước nguy cơ thiếu hụt dòng tiền trong ngắn hạn, thậm chí còn khó khăn hơn do những hệ luỵ của dịch bệnh để lại.

"Tác động của dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng thị trường bất động sản trong nhiều năm tới và sẽ mất một thời gian để đạt được sự phục hồi hoàn toàn" - báo cáo của JLL nhấn mạnh.

Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập, người thuê hưởng lợi

Nhìn chung, dù chưa phổ biến, nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở TPHCM đã chủ động giảm 10 - 20% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019. Đa phần những mặt bằng này do khách thuê cũ trả lại hoặc chủ nhà chưa tìm được khách thuê mới.

Anh Long, một người môi giới cho thuê nhà lâu năm ở khu vực trung tâm TPHCM cho hay, gần đây nhiều người ký gửi mặt bằng, nhưng rất khó tìm được người thuê, trừ khi chủ mặt bằng chịu giảm giá mạnh 10 - 30%. Còn không giảm thì chủ phải chấp nhận chờ.

Ông Phan Công Chánh - Giám đốc Phú Vinh Group - nhìn nhận chưa bao giờ mặt bằng cho thuê "chờ khách" nhiều như giai đoạn hiện nay. Cụ thể, đường Trần Quang Khải, quận 1, chỉ một đoạn ngắn mà có hơn 20 mặt bằng treo bảng cho thuê. Nhiều nơi giảm giá 20 - 30% so với trước. 

"Giai đoạn này có thể nói là lĩnh vực mặt bằng cho thuê đang thiệt kép, vì vừa khó khăn do thị trường chung, vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để những người kinh doanh lựa chọn địa điểm tốt, vừa ý mà giá lại giảm. Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập theo hướng có lợi cho người thuê, chứ không bị làm khó, chỉ được quyền chọn thuê hay không chứ không trả giá như trước đây" - ông Chánh nhận xét.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Vina Office - hiện các nhà kinh doanh bất động sản, nhất là kinh doanh mặt bằng cho thuê, văn phòng đang tự tái cơ cấu, giảm giá một cách chủ động để giữ chân khách hàng. 

"Theo tôi, các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng nhanh sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không cắt lỗ họ sẽ còn thiệt hại thêm ít nhất 4 - 6 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong thời gian 6 tháng. Nếu không nhìn thấy cơ hội thì phải tạm dừng" - ông Hải dự báo.

Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường mặt bằng kinh doanh, thương mại phải đến quý 3/2020 mới có thể hồi phục. Vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cần phải chủ động giảm giá. Nếu không, khách thuê sẽ trả mặt bằng rất nhiều, vì đây cũng chính là lúc khách hàng tìm kiếm một vị trí mới đẹp hơn, tốt hơn mà giá cũng tương đối hợp lý. 

"Tạm dừng không phải là bỏ cuộc, mà họ chấp nhận bỏ đi một khoản tiền cọc, tiền thuê nhà trong 3 tháng để lùi lại, chờ cơ hội để tìm kiếm một vị trí tốt hơn" - ông Hải nhận định. 

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho rằng, ở thời điểm hiện nay, những nhà đầu tư cân đối được tài sản, chẳng hạn như nắm giữ một lượng tiền mặt gửi tại ngân hàng thì sẽ không gặp khó khăn trong giai đoạn này. Ngược lại, nếu nhà đầu tư tối đa hóa tài sản bằng cách chuyển hết vốn vào bất động sản thì rõ ràng, những nhà đầu tư đó có thể rất kẹt vốn.

Khi khủng hoảng xảy ra, nhà đầu tư nào cũng cần tiền nên việc bán bất động sản sẽ rất khó. "Tài sản của nhà đầu tư có thể có giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng nếu toàn bộ giá trị này đều từ đi vay thì với tình hình khó khăn như hiện nay, họ không trả nợ được ngân hàng. Những chuyện như siết nợ, giảm giá bất động sản theo đó có thể xảy ra" - TS Đinh Thế Hiển dự đoán.

Văn phòng cho thuê cũng gặp khó

Không chỉ căn hộ, mặt bằng kinh doanh gặp khó mà lĩnh vực văn phòng cho thuê cũng gặp tình trạng tương tự. Các chuyên gia cho rằng việc nhiều doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cắt giảm nhân sự nên họ sẽ chuyển văn phòng sang phân khúc thấp hơn, diện tích nhỏ hơn. Đó là lý do các văn phòng hạng B, C có giá thuê dưới 20USD/m2 với diện tích từ 30 - 50m2 sẽ hút khách thuê trong thời gian tới.

"Chúng tôi đã giảm 50% nhân sự, từ 100 xuống còn 50 người. Nếu không đổi văn phòng nhỏ hơn, mỗi tháng chúng tôi mất cả 100 triệu tiền thuê văn phòng" - Tổng Giám đốc một công ty môi giới bất động sản chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top