Bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản

(khoahocdoisong.vn) - Khai thác khoáng sản cần tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật... hiện nay đang là vấn đề cốt lõi.

Tiếp tục lập quy hoạch quản lý

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Trong đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn có thể phát triển thành ngành công nghiệp như: Dầu khí, bauxite, titan, than, đất hiếm…

Thống kê từ ngành địa chất cho biết, Việt Nam có trên 5.000 điểm quặng và trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Hiện nay, 45 loại khoáng sản đang được khai thác chủ yếu với khoảng trên 500 giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT và trên 3.000 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khoáng sản là đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế. Với trữ lượng hiện nay của Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhiều loại tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, các giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên suy thoái, cạn kiệt…Điển hình như bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 mới chỉ lập được với 70% diện tích đất liền, còn 30% vẫn chưa có bản đồ địa chất khoáng sản. 

Theo ông Lại  Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tài nguyên khoáng sản là một tài sản hữu hình nhưng hữu hạn. Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu cần phải nắm được nguồn tài nguyên khoáng sản này.

“Sẽ đến lúc các mỏ sẽ bị khai thác hết và đóng cửa mỏ. Lúc đó chúng ta sẽ đưa ra một phương án để tiếp tục khai thác, phát triển mỏ đó để chuyển sang bước tiếp theo, phát triển theo các định hướng khác, ví dụ như khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai. Bên cạnh đó chúng ta cần đánh giá tiềm năng, hiện trạng của tài nguyên khoáng sản để lập ra chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới”, ông Thanh nói.

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược nhìn nhận, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản… lập quy hoạch bảo vệ bền vững các loại hình tài nguyên chiến lược; nâng cao chất lượng quy hoạch các loại tài nguyên gắn với tác động của biến đổi khí hậu. 

Tăng cường chế tài xử lý

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên.

Các chính sách có thể nhắc đến như Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996, sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Đến nay là Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. 

Tuy nhiên, hiện nay có những chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát với thực tế. Theo ông Lại  Hồng Thanh, những bất cập này gồm việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi lòng sông, than, hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng…

Một số địa phương có tình trạng cấp phép khai thác không có quy hoạch; cấp phép khai thác khi chưa có trữ lượng khoáng sản được phê duyệt. Hiệu quả công tác thanh tra chưa cao, chưa phát hiện nhiều sai sót,

Dù Chính phủ đã có hàng loạt nghị định xử phạt về khai thác khoáng sản như Nghị định số 142/2013/NĐ-CP, sau này là  Nghị định số 33/2017/NĐ-CP nhưng tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn tồn tại, thậm chí quy mô có vẻ như lớn hơn. Hệ quả, đến nay, Chính phủ đang phải giao cho Bộ TN&MT xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 33 để kịp thời bổ sung các hành vi cần xử phạt, đồng thời nâng cao các chế tài xử phạt bảo đảm tính răn đe.

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, khoáng sản là tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân nên khi đưa vào phát triển kinh tế cũng cần đảm bảo thu lại vốn của thiên nhiên, bởi khoáng sản là hữu hạn.

Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng khi giao cho các tổ chức cá nhân quản lý, khai thác nhưng không kiểm soát được, còn một số đơn vị khai thác khoáng sản trái phép, vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép… nhưng không kịp thời phát hiện, xử phạt.

Nhưng ông Chinh cũng thừa nhận, để khai thác tối đa các tiềm lực khoáng sản, vẫn cần phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư về vốn, công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến để gia tăng giá trị của khoáng sản trong lòng đất sau khai thác.

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Tổng diện tích đất thu hồi là 149,65 ha, nguyên do xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất vì thực hiện không đúng theo phương án sản xuất lâm nông nghiệp kết hợp, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất được cho thuê.
back to top