“Bắt bệnh” quạt điện khi vào hè

(khoahocdoisong.vn) - Bắt đầu vào hè, quạt điện là một trong những đồ điện được sử dụng nhiều. Trước khi sử dụng, quạt điện cũng cần được “khám bệnh”.

Quạt bỗng nhiên “tắt ngúm”

Mấy ngày đầu hè, trời bắt đầu oi bức, bà Phạm Phương Ngân (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) lấy chiếc quạt điện ra dùng. Do bọc túi nilon kỹ nên quạt không bị bám bụi, bà cắm điện và cứ thế bật. Ban đầu quạt chạy khá mạnh, tiếng gió vù vù, rồi lúc yếu lúc mạnh. Bà tắt đi thử bật lại thì quạt “lịm” hẳn, không cách gì khởi động lại được nữa. Con trai bà đem quạt cắm lại vào ổ điện và cứ bật sẵn để đó, một lúc sau thì quạt bốc khói, khét lẹt cả nhà. Bà vội vàng đi ngắt cầu dao điện, bỏ chiếc quạt hỏng bán cho hàng đồng nát. Lấy cái khác ra sử dụng thì quạt chạy lờ đờ, không mát.

Anh Nguyễn Minh Đức, nhân viên bảo hành quạt điện của Điện máy Nguyễn Kim cho biết, quạt điện sau một thời gian sử dụng, không còn chạy với tốc độ nhanh, ổn định như lúc mới mua. Có rất nhiều nguyên nhân như do bụi bẩn bám vào lồng quạt, cánh quạt, hộp điều khiển làm hạn chế tốc độ quạt quay. Nếu là do nguyên nhân này người dùng chỉ cần tháo bỏ nắp lồng quạt ra và vệ sinh lại toàn bộ hộp động cơ. Thêm một nguyên nhân khác khiến quạt quay bị yếu hoặc phát ra tiếng ồn khi quay, đó là do quạt bị khô dầu làm tăng ma sát, giảm tốc độ quay hoặc hỏng động cơ bạc. Lúc này người dùng chỉ cần thử quay cánh quạt bằng tay.

Theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, quạt điện cũng như các thiết bị khác, cần được bảo dưỡng định kỳ, lau bụi thường xuyên. Có thể tự kiểm tra quạt bằng cách mở nắp bánh răng ở mặt sau ra kiểm tra xem dầu bôi trơn và bánh răng còn hoàn hảo hay không để còn tra dầu mỡ. Sau đó mở nắp trước (hoặc nắp sau) có gắn đệm trục, lau sạch 2 đầu trục, tra dầu máy vào đó. Nhớ kiểm tra kỹ dây điện, phích cắm, bộ phận biến áp xem có bị chuột cắn làm rò điện không.

Có thể tự sửa chữa

Theo anh Nguyễn Văn Sơn, trường hợp nếu tháo hộp điều khiển, thấy trục và bạc bị hỏng, mòn quá lớn thì cần phải mang đến trung tâm bảo hành để khắc phục. Khi mở hộp điều khiển, người dùng quan sát thấy trục, bạc không bị mòn, không bị hỏng và sau khi tra thêm dầu, vệ sinh, bật quạt lên mà tốc độ quay của quạt vẫn chậm thì rất có thể là do tụ điện hỏng. Thay tụ điện chỉ thợ chuyên nghiệp mới làm được nên tốt nhất phải đem ra cửa hàng sửa chữa đồ điện.

Lý do quạt quay yếu không nằm ở trục, bạc và tụ điện thì có thể là do cuộn dây đề bị đứt, cuộn dây đồng sử dụng lâu nên bị xuống cấp. Lúc này người dùng có thể mua mới cuộn dây đã được quấn sẵn về thay. Hoặc có thể mang ra tiệm sửa chữa để thợ lành nghề thay cuộn dây mới. Việc sửa chữa khá đơn giản và không tốn nhiều chi phí. Nhưng nếu không sửa chữa, để quạt hỏng, dẫn đến chập, cháy thì có thể nguy hiểm đến tính mạng người dùng. Với những chiếc quạt đứng nên vệ sinh thường xuyên hàng tháng hoặc hàng tuần nếu nhà có nhiều bụi bẩn. Không nên để quạt hỏng hoặc có dấu hiệu hỏng mới sửa chữa.

Theo các chuyên gia, có một vị trí cần vệ sinh mà nhiều người hay quên là nút bấm số. Nếu không vệ sinh thường xuyên, bụi bám vào có thể làm kẹt công tắc, gây mòn linh kiện bên trong. Bạn có thể làm sạch bằng cách dùng xịt chuyên dụng, lau bằng khăn mềm, ấn nhả nhiều lần để các nút bấm được vận hành trơn tru. Không để quạt gần nơi nấu ăn, vệ sinh. Không chải tóc cạnh quạt điện đang quay. Nên mua quạt điện chính hãng, có bảo hành.

“Nếu thấy quạt quay nhưng bị cản lại và chỉ quay một chút rồi ngừng hẳn, thì có thể quạt bị khô dầu, hỏng bạc. Lỗi này cần phải tra dầu vào trục thì quạt điện sẽ quay nhanh hơn”, anh Nguyễn Minh Đức

Theo Đời sống
back to top