Barret thực quản có tự khỏi được không?

(khoahocdoisong.vn) - Barrett thực quản là một chứng bệnh thuộc về đường tiêu hóa, thường gặp ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày trong thời gian dài, dẫn tới kích thích niêm mạc trong lòng thực quản, nếu xảy ra trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến các tế bào lót phần dưới của thực quản, dẫn tới ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Barret thường sinh ra do trào ngược dạ dày thực quản lâu năm tạo thành. Do đó, barret thực quản bản thân nó không thể tự khỏi. Nếu người bệnh vẫn còn trào ngược thì khả năng tái phát barret là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thông thường, barret thực quản đoạn dài (kích thước trên 2cm kể từ ranh giới giữa dạ dày và thực quản) có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao hơn barret đoạn ngắn, kích thước nhỏ. Để loại bỏ barret, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn thực quản đó bằng phương pháp phẫu thuật hoặc sử dụng sóng cao tần để đốt tổn thương này. Bác sĩ cũng có thể quét đốt barret thực quản bằng phương pháp Argon Plasma. Đây là phương pháp được đánh giá là nhanh chóng và đạt hiệu quả tốt, người bệnh xuất viện ngay trong ngày, an toàn, chi phí điều trị phải chăng. Đa phần người bệnh sau một thời gian kết hợp điều trị bằng thuốc và tuân thủ lịch tầm soát định kỳ đều cho kết quả khả quan sau tái khám.

Sau khi quét barret thực quản, để ngăn chặn nguy cơ ung thư tiến triển và duy trì sức khỏe ổn định cần:

Tuyệt đối không tự điều khiển các phương tiện giao thông cá nhân sau khi quét barret;

Sử dụng các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa (tốt nhất là cháo nấu nhuyễn, kết hợp với rau xanh) trong vòng 3 ngày kể từ ngày quét;

Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn uống thức ăn có nhiều chất chua, cay, nóng;

Không nên ăn các thực phẩm khi còn nóng trong vòng 3 ngày đầu quét barret.

Uống nhiều sữa để bổ sung vitamin;

Nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng; không đi bộ nhiều;

Tuân thủ lịch uống thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Như vậy, để tầm soát ung thư thì có rất nhiều cách, mà quan trọng nhất là sự chủ động thăm khám của người bệnh khi có bất kỳ biểu hiện bệnh lý nghi ngờ. Nếu phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì ung thư không còn là mối nguy khó lường, ngay cả đối với những loại ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất như ung thư thực quản.

GS.TS Đào Văn Long (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top