Bảo vệ được môi trường, bao nhiêu tiền cũng rẻ!

TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ hợp lý nếu được sử dụng đúng cho mục đích bảo vệ môi trường. Nhưng đáng nói là từ xưa đến nay, sử dụng tiền phí ấy như thế nào không ai biết.

TS Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, cách tính thuế phí trong mặt hàng xăng dầu còn rất nhiều bất cập

Tăng thế nào cũng phải hợp lý

Theo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu tăng rất mạnh. Cụ thể, các loại xăng (trừ xăng ethanol) sẽ tăng từ 1.000 – 4.000đ/lít lên 3.000 – 8.000đ/lít. Riêng xăng E5 và E10 chịu mức thuế thấp hơn là 2.700 – 7.200đ/lít đối với xăng E5 và 2.500 – 6.800đ/lít đối với xăng E10. Tương tự, khung thuế BVMT đối với các loại dầu, trừ dầu hỏa cũng tăng gấp 2 – 3 lần hiện hành. Mức thuế này liệu có quá cao?

Thực ra, đây chỉ là khung thuế, mức 8.000đ/lít là mức trần, còn việc bao giờ tăng, tăng bao nhiêu thì Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng lộ trình cụ thể. Tuy nhiên có thể cho rằng, khung đó là quá cao, vì khi tăng lên 3.000đ, người ta đã cảm thấy rất sốc rồi.

Hồi đầu năm, có thông tin Bộ Tài chính định nâng thuế BVMT lên 4.000đ, công luận đã phản đối gay gắt và cuối cùng Bộ Tài chính đã quyết định không nâng. Việc tăng dần thuế BVMT là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, nhưng tăng một lúc lên cao như vậy thì e là khó nhận được sự đồng thuận.

Hiện nay, Luật Thuế BVMT quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1.000 – 4.000đ/lít, mức đang áp dụng là 3.000đ/lít. Khung thuế với nhiên liệu bay từ 1.000 – 3.000đ/lít, mức đang áp dụng là 3.000đ/lít. Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung giá thuế BVMT với xăng là cần thiết để phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội. Vì trong trường hợp cần thiết, việc tăng mức thuế đối với mặt hàng này là không dễ.

Nếu là việc cần, thì tăng thuế là đúng rồi?

Bảo vệ môi trường cũng là việc rất cần thiết, nhất là trong xu thế hiện nay, nhiều hoạt động của con người ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái.

Cho nên, Nhà nước phải tìm nguồn lực để giải quyết vấn đề này trong đó thuế là một công cụ quan trọng. Đặc biệt, xăng dầu là nhiên liệu hóa thạch, trong quá trình sử dụng phát sinh khí thải ảnh hưởng đến môi trường.

Nếu áp dụng, chắc chắn giá xăng dầu sẽ tăng?

Việc tăng thuế BVMT chắc chắn sẽ làm tăng giá xăng dầu. Hiện nay, tỷ lệ thuế trong giá xăng dầu của Việt Nam thuộc loại cao so với nhiều nước trên thế giới, lên tới khoảng 50% (với các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế BVMT).

Việc tăng thuế nếu không tính toán hợp lý sẽ khiến chi phí xăng, dầu phục vụ hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao do đó doanh nghiệp sẽ tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh.

Nên giữ nguyên mức cũ

Đối với người tiêu dùng, tăng dù chỉ một đồng họ cũng không thích. Nếu cứ “chiều lòng dư luận” thì khó mà quản lý tầm vĩ mô?

Đúng thế. Tôi nghĩ người tiêu dùng không bất mãn mà họ cần sự minh bạch thông tin. Khi thấy hợp lý thì ai cũng sẽ chấp hành. Thuế BVMT có dùng bảo vệ môi trường hay không phải được làm rõ, nếu tiền thuế đó được dùng để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thì người dân sẽ ủng hộ.

Ngược lại, nếu cứ mập mờ, không biết dùng tiền đó vào việc gì, thì rất khó để người dân chấp nhận.

Có lẽ, bảo vệ được môi trường, thì bao nhiêu tiền cũng là rẻ?

Hiện nay, bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết. Việc tăng các quy định, mức thuế, phí bảo vệ môi trường là xu thế chung của thế giới. Nếu không bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, có thể sau này chúng ta sẽ phải trả mức chi phí gấp hàng chục lần mà không khắc phục được.

Ở các nước, hẳn là họ cũng đánh thuế này vào xăng dầu?

Cũng không có nhiều nước đánh thuế môi trường vào xăng dầu, kể cả các nước châu Âu, nhưng họ có nhiều loại phí bảo vệ môi trường khác. Còn ở ta thì việc đánh thuế BVMT vào xăng dầu cũng được bàn đến từ lâu.

Cá nhân tôi nghĩ, giá xăng dầu thì lên xuống theo thị trường, việc quy định cứng số tiền thuế BVMT vào giá xăng dầu như thế liệu có bất cập?

Đúng là việc đánh thuế bằng số tiền tuyệt đối là không chuẩn, không phù hợp mà nên đánh tương đối bằng tỷ lệ phần trăm. Việc đánh thuế chốt tuyệt đối như hiện nay là không so sánh với giá trị thực tế của xăng, không hợp lý.

Ở mức khung cũ, từ lúc bắt đầu thực hiện là năm 2012, Bộ Tài chính đã nâng mức thuế này đến 3.000đ/lít nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiện nay, một lít xăng “cõng” quá nhiều thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Việc tăng thuế sẽ đánh vào giá xăng, mà tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh?

Trong bối cảnh hiện nay, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất hạn chế. Khả năng hạn chế là do năng suất lao động thấp, chi phí giá thành sản phẩm cao mà xăng dầu là một chi phí yếu tố cấu thành giá.

Chi phí tăng, giá thành tăng đương nhiên làm hạn chế khả năng cạnh tranh. Điều kiện sống còn khó khăn mà tăng thuế làm người dân thêm gánh nặng là điều không phải hợp lý.

Với tất cả các yếu tố, bối cảnh hiện nay, theo tôi vẫn nên giữ mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở khung kịch trần 4.000đ.

Giá xăng dầu sẽ dần tăng

Theo ông, có những yếu tố nào tác động lên giá xăng dầu trong nước hiện nay?

Có 3 yếu tố chính tác động lên giá xăng dầu trong nước hiện nay là giá xăng dầu thế giới, thuế phí và quỹ bình ổn.

Hiện nay, cách tính thuế phí trong mặt hàng xăng dầu còn rất nhiều bất cập. 1 lít xăng dầu của Việt Nam phải cõng quá nhiều thuế phí. Xăng được nhập với mức thuế cao chắc chắn sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.

Công thức tính giá hiện nay gồm các yếu tố: Giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Trong khi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cũng vơi dần.

Ông có nhận định gì về giá xăng dầu thời gian tới?

Từ năm 2014, giá xăng dầu thế giới đã giảm do nhiều yếu tố tác động như: kinh tế, chính trị… cho nên nguồn cung tăng rất mạnh do các quốc gia trong khối OPEC không muốn mất thị phần và phải tăng sản lượng.

Thời gian gần đây, các nước trong khối đã quyết định giảm sản lượng, khi nguồn cung giảm chắc chắn giá xăng dầu sẽ phục hồi, mà giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng theo.

Từ đó, nhiều dự báo cho rằng trong năm tới, giá xăng dầu thế giới sẽ tăng.

Làm thế nào để giữ ổn định được giá xăng dầu mà vẫn đảm bảo nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước?

Nhà nước cần kiểm soát giá, điều chỉnh thuế sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Muốn tạo ra nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nên vắt kiệt nguồn thu.

Và hãy minh bạch tất cả các tính toán thuế, phí, sử dụng đồng tiền ấy vào việc gì. Trước nay chúng ta vẫn cứ nói thuế để BVMT nhưng cụ thể là làm những việc gì để BVMT thì lại không nhiều người biết được.

Chính sách đưa ra không nên “nhập nhèm”, tránh tình trạng ngân sách thất thu, doanh nghiệp trục lợi, người tiêu dùng thì phải chịu thiệt.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top