Bảo tồn rùa Hoàn Kiếm và cua đinh

(khoahocdoisong.vn) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn yêu cầu các quận, huyện tăng cường quản lý, bảo vệ các cá thể rùa Hoàn Kiếm và cua đinh trên địa bàn.

Tạo bè cho rùa

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã: Long Biên, Ba Vì, Sơn Tây tăng cường quản lý, bảo vệ các cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh và cá thể cua đinh tại đình Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Cùng với đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện giám sát chất lượng môi trường nước tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh, nhất là những vị trí gần bãi rác và bị ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật các vấn đề về môi trường nước và công tác bảo tồn, khai thác bền vững đa dạng sinh học tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Bên cạnh đó, UBND TP. giao UBND thị xã Sơn Tây và UBND huyện Ba Vì hằng năm xây dựng, triển khai kế hoạch tuần tra, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, trong đó trọng tâm là đối tượng rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. UBND TP cũng giao UBND quận Long Biên chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc quận, UBND phường Thượng Thanh, Ban Di tích đình Thanh Am tổ chức bảo vệ tại chỗ, đúng quy định của pháp luật đối với cá thể cua đinh hiện có trong ao đình Thanh Am, phường Thượng Thanh.

Việc bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm thực tế vẫn đang được các chuyên gia của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) âm thầm thực hiện. Đầu tháng 1/2020, ATP đã xây dựng một chiếc bè nổi trên hồ Đồng Mô, nơi sinh sống của một trong hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ghi nhận được ở Việt Nam. Chiếc bè được làm từ tre và cỏ thu hoạch từ các đảo tại hồ Đồng Mô, được đặt ở vị trí thuận lợi để dụ rùa Hoàn Kiếm lên bè sưởi ấm.

Anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ của ATP chia sẻ, hoạt động làm bè nổi sẽ mang đến những hữu ích lớn khi các cán bộ có cơ hội dễ dàng quan sát cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây. Từ đó có thể nghiên cứu hành vi của loài rùa quý hiếm nhất thế giới hiện nay. Đây cũng là một trong hàng loạt các hoạt động bảo tồn sẽ được triển khai thời gian tới tại hồ Đồng Mô.

Có hơn 1 cá thể rùa

Anh Nguyễn Tài Thắng cho biết, rùa Hoàn Kiếm là loài rùa quý hiếm nhất thế giới. Sau cái chết của một cá thể cái ở Trung Quốc, cả thế giới khi chỉ ghi nhận 3 cá thể gồm một cá thể đực ở Trung Quốc và 2 cá thể ở Việt Nam, trong đó một cá thể sống ở hồ Đồng Mô và một cá thể ở hồ Xuân Khanh (cùng thuộc Hà Nội). Rùa Hoàn Kiếm có tập tính vô cùng bí ẩn, dành phần lớn thời gian ngâm mình dưới nước sâu. Vì vậy, việc bắt gặp và quan sát loài rùa này gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh, mất đến 2 năm, các cán bộ bảo tồn của ATP mới chụp được một bức ảnh của nó.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được. Từ đó đến năm 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay các biện pháp bảo tồn chưa triển khai được nhiều, nhất là việc xác định giới tính của hai cá thể.

Tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội có một cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện vào năm 2007, cứu hộ thành công sau khi thoát ra khỏi hồ Đồng Mô trong trận lũ lịch sử 2008. Thời điểm đó, cá thể này nặng 67 kg, nhưng đến nay, trọng lượng có thể lên tới 120 kg đến 140 kg. Đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm duy nhất được công bố chính thức tại đây. Tuy nhiên, cả ATP và ngư dân trong vùng đều tin, có hơn một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây, nơi từng là vương quốc sinh sống của loài rùa này.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top