Bảo hiểm thất nghiệp trở thành "phao cứu sinh" cho người lao động mùa dịch

Trong mùa dịch Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” cho người lao động khó khăn không may mất việc, có thêm nguồn tài chính trang trải cuộc sống, tìm kiếm cơ hội việc làm khác để sớm trở lại thị trường lao động.

Chị Nguyễn Thu Hà (huyện Quốc Oai, Hà Nội) là nhân viên một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại Hà Nội, tuy nhiên do dịch bệnh, doanh nghiệp của chị phải cắt giảm nhân sự. Mất việc đồng nghĩa với việc mất đi khoản thu nhập cố định hàng tháng, trong khi những chi phí sinh hoạt của gia đình không hề giảm. Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình cùng tiền học phí của các con trông chờ cả vào mức lương hơn 8 triệu đồng của chồng chị Hà.

Trong lúc mất việc, khó khăn, dịch bệnh triền miên chưa thể tìm việc làm mới, chị Nguyễn Thu Hà đã quyết định làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Với số tiền trợ cấp hơn 4 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng đã giúp gia đình chị Hà phần nào vơi bớt khó khăn.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh dần ổn định hơn, chị Hà đang nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, tìm kiếm các cơ hội việc làm mới.

Giống như chị Hà, chị Nguyễn Thanh Hoa (Gia Lâm, Hà Nội) làm nghề hướng dẫn viên du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch. Các đợt dịch liên tiếp bùng nổ tại nhiều địa phương trên cả nước khiến công việc của chị những tháng gần đây bị ngưng trệ hoàn toàn. Trải qua gần 2 năm dịch bệnh, công ty chị đã buộc phải đóng cửa, người lao động lâm vào tình trạng mất việc làm. Trong thời gian nghỉ việc, chị Hà phải làm nhiều công việc khác nhau từ bán hàng online, tư vấn bảo hiểm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, tuy nhiên những công việc này cũng không mấy suôn sẻ.

Trong thời gian này, chị Hoa đã tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm để nhận hỗ trợ, không chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp, có thêm nguồn tiền trang trải cuộc sống, chị còn được hỗ trợ tìm việc làm thêm phù hợp - chăm sóc khách hàng tại một trung tâm tiếng Anh, trong lúc chờ đợi ngành du lịch được mở cửa và phục hồi trở lại.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đối tượng người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25-40 tuổi. Trong đó tập trung nhiều vào các nhóm ngành như dịch vụ, xây dựng, công nghệ chế biến, chế tạo… Hiện người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 2 nhóm là tự nghỉ việc hoặc doanh nghiệp cho nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tạm dừng các thủ tục giao dịch hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trụ sở chính, các cơ sở và các điểm, sàn giao dịch vệ tinh. Mọi thủ tục được chuyển sang hình thức trực tuyến, qua đường bưu điện, thông báo trả kết quả qua zalo, email… hạn chế việc đi lại di chuyển cho người lao động.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, sau hơn 12 năm triển khai chính sách BHTN (năm 2009 đến nay), toàn thành phố đã giải  quyết trợ cấp thất nghiệp cho gần 500.000 lượt người, trong đó có gần 30.000 lượt người chọn hình thức học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng khoảng thời gian trên, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 6 triệu lượt người, trong đó có gần 300.000 người được hỗ trợ học nghề.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù số lao động bị thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, nhưng quyền lợi của 100% số người tham gia chính sách này vẫn được bảo đảm.

Theo thống kê, riêng năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi tổng số tiền 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% (tương đương 6.217 tỷ đồng) so với năm 2019 cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp một lần là 17.898 tỷ đồng cho 1.004.729 lượt người, chi hỗ trợ học nghề là 148 tỷ đồng, chi đóng bảo hiểm y tế là 806 tỷ đồng.

Vai trò “phao cứu sinh” của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đã được kiểm chứng, nên thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nếu như trong năm đầu tiên triển khai (2009), cả nước chỉ có gần 6 triệu người tham gia, thì đến nay, con số này đã tăng lên hơn 13 triệu người, bằng gần 90% tổng số người phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với quy mô gần 50 triệu người đang có mặt trên thị trường lao động.

Theo một số chuyên gia, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay phần đa vẫn tập trung hỗ trợ người lao động sau khi mất việc, số lượng người lao động đăng ký học nghề theo hỗ trợ của quỹ này chưa thực sự cao.

Từ góc nhìn của người sử dụng lao động, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ để bảo đảm quyền và lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đồng thời, có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, để thu hút lao động hưởng Bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn hình thức học nghề, từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ cho nhóm lao động này tăng lên, trung bình là 1,5 triệu đồng/người/tháng (trước đó là 1 triệu đồng/tháng). Với nhóm người dễ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ đã xây dựng gói hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với tổng chi phí dự kiến là 4.500 tỷ đồng, áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2022.../.

Theo vov.vn
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top