Báo động tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh

(khoahocdoisong.vn) - Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dự báo dân số đến năm 2069.

Theo đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao với tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 115,5 bé trai/100 bé gái.

Hàng loạt đàn ông không thể lấy vợ

Do phụ huynh có tâm lý thích con trai nên ngay từ lần sinh đầu, TSGTKS đã có sự chênh lệch là 109,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này càng chênh lệch lớn ở những lần sinh sau do nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh con thêm của vợ chồng. Cụ thể, đối với các cặp vợ chồng đã sinh liên tiếp hai con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái. 

Bình luận về tỷ số giới tính khi sinh, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, Việt Nam đang có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, theo hướng sinh nhiều con trai hơn con gái và tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong lương lai, phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động, cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể (một số nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân) điều này sẽ ảnh hưởng đến mức sinh và chất lượng dân số. Gia tăng các nguy cơ xâm hại tình dục phụ nữ cũng như sức ép về việc gánh vác các trách nhiệm từ phía gia đình và người chồng.

“Giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai”, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho hay.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, với đà này, trong tương lai không xa sẽ có một số lượng lớn đàn ông không thể tìm được người bạn đời, không thể kết hôn được. Xã hội sẽ có nhiều bạo lực vì dư thừa quá nhiều đàn ông ở một độ tuổi sung sức về mặt tình dục mà lại không tìm được bạn đời.  Bạo lực tình dục sẽ xảy ra: buôn bán, bắt cóc phụ nữ, hiếp dâm, quấy rối tình dục đối với phụ nữ… Việc thừa nam thiếu nữ này bắt nguồn từ thực trạng- nói theo ngôn ngữ của Liên Hợp Quốc - gọi là “thực hành có hại trên cơ sở giới”. Đó là lựa chọn giới tính trước sinh, chấm dứt mang thai nếu là thai gái, và chỉ tiếp tục mang thai để sinh đẻ nếu là con trai.

“Ở Việt Nam, dự báo khoảng năm 2040 trở đi sẽ thiếu từ 2,5 triệu cho đến 4 triệu phụ nữ. Căn cứ trên số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019, người ta dự đoán mỗi năm chúng ta thiếu hụt 46.000 bé gái lẽ ra được sinh ra nhưng lại không được sinh ra do thực-hành-giới-có-hại. Như vậy, trong 10 năm sẽ là bao nhiêu ngàn bé gái? Và tương đương sẽ có chừng ấy người đàn ông gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời?”, TS Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi.

Cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu dẫn đến nhiều hậu quả. Để khắc phục cần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là an sinh xã hội. Nhật Bản, Hàn Quốc là nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng nhờ kinh tế - xã hội phát triển vượt trội nên đã không còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Pháp lệnh Dân số đã có một số điều, khoản liên quan trực tiếp đến việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, việc thực hiện các điều khoản này chưa được nghiêm. Khi xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội cần chú ý tới khía cạnh giới, đặc biệt là việc khuyến khích, hỗ trợ các gia đình chỉ có hai con gái.

Theo TS Khuất Thu Hồng, muốn giải phóng người phụ nữ thì phải đầu tư ngân sách vào xây dựng nhà trẻ, trường học, đầu tư vào hệ thống chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu từ A đến Z… Và đầu tư vào chăm sóc người già, chăm sóc người ốm. Nếu chúng ta có những trung tâm chăm sóc người già thật tốt, trường mầm non, trường học thật tốt; thì gánh nặng của người phụ nữ sẽ được giảm bớt, họ sẽ có nhiều thời gian và sức lực hơn để phát triển bản thân. Để được như vậy thì người đàn ông trong gia đình phải chia sẻ gánh nặng chăm sóc, phải thay đổi cách suy nghĩ. Khi có nhiều người đàn ông nghĩ và làm như vậy thì  xã hội mới thay đổi được.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top