Báo động cháy nổ nhà ống, “chuồng cọp”

Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà dân, chung cư gây thiệt hại không nhỏ cả về người và của. Tình trạng này một lần nữa gióng thêm hồi chuông cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, nhất là trong những khu nhà ống, chung cư “chuồng cọp” khi mùa hè đến.
chay-pho-co-9.jpg
Một căn nhà ống trên phố cổ Hà Nội bốc cháy.

Ngày 27/4, hỏa hoạn đã xảy ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, thiêu rụi 7 căn nhà. Cụ thể, ngọn lửa bốc cháy từ một căn nhà 35m2 bán phụ tùng ô tô ở trên phố Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau đó lan rộng ra 6 nhà xung quanh, phải mất nhiều giờ đồng hồ mới dập tắt được đám cháy.

Trước đó, đau xót, thậm chí ám ảnh là tâm trạng của nhiều người khi nhắc đến hậu quả của vụ hỏa hoạn làm 5 người tử vong và 2 người bị thương xảy ra rạng sáng 21/4 tại khu B9, phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội). Lực lượng cứu hỏa đã có mặt rất nhanh, dập tắt đám cháy nhưng các nạn nhân đã bị tử vong do ngạt khí trước khi lửa bén tới.

Theo ghi nhận của phóng viên Khoa học và Đời sống tại các khu vực dân cư trên địa bàn quận Hà Nội, hầu hết những ngôi nhà ống trong ngõ sâu hay các khu tập thể cũ cơi nới thêm “chuồng cọp” đều không có hệ thống báo cháy, chống cháy, thiếu lối thoát hiểm, nguy hiểm đến tính mạng khi có sự cố xảy ra.

Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến căn hộ, nhà ở có “chuồng cọp” đã để lại hậu quả thương tâm khi nạn nhân không thoát ra được bên ngoài. Các lực lượng chức năng cũng mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ những chung cư “chuồng cọp”, nhà ống không lối thoát. Vụ hỏa hoạn làm 5 người tử vong ở tập thể Kim Liên nêu trên là hồi còi báo động cho các gia đình về công tác phòng cháy chữa cháy.

kts-doan-tu.jpg

Kiến trúc sư Đoàn Tú:

Mỗi căn nhà đều cần thiết kế lối thoát hiểm

Các chung cư cũ ở Hà Nội do diện tích hẹp nên tình trạng các hộ dân cơi nới dạng “lồng chim”, “chuồng cọp” không có lối thoát hiểm là phổ biến. Tương tự, tình trạng nhà ống cũng vậy, không chỉ ở Hà Nội mà phổ biến ở các đô thị cũ, phải chấp nhận và có biện pháp thoát hiểm, ứng phó với thực tế. Mỗi căn nhà dù chung cư chuồng cọp hay nhà ống, chung cư cao tầng đều cần phải thiết kế lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cháy nổ.

Đối với những gia đình đã xây dựng và làm chuồng cọp cần phải cắt lồng sắt thiết kế cửa thoát hiểm. Cửa trang được thiết kế và trang bị khóa để bên ngoài không thể vào được nhưng bên trong có thể ra được. Chìa khóa mở cửa chuồng cọp phải đặt ở vị trí quy định gần chuồng cọp nhưng khuất tầm nhìn và tầm với từ bên ngoài để các thành viên trong gia đình đều biết sử dụng được khi thoát hiểm. Sau khi có đường “thoát hiểm” thì kỹ năng thoát hiểm cũng là điều hết sức quan trọng. Mỗi gia đình ngay từ khi xây dựng ngôi nhà, phải tính đến các phương án thoát hiểm, trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy.

Nên trang bị dây thang leo thoát hiểm, búa gần chuồng cọp để trường hợp khẩn cấp có thể dùng búa phá khóa, phá khung sắt thoát ra ngoài. Dây thoát hiểm cho nhà cao tầng có thể tự làm hoặc mua sẵn trên thị trường với nhiều chủng loại, giá từ 100.000 – 500.000đ/bộ. Có thể dữ trự thêm mặt nạ phòng độc cho các thành viên trong gia đình bên cạnh các loại bình chữa cháy nhỏ gọn.

ks-phan-huy-trung.jpg

Kỹ sư điện lạnh Phan Huy Trung: 

Sử dụng điện kém an toàn nguy cơ cháy, nổ rất cao

Những khu tập thể cũ xuống cấp hoặc những ngôi nhà thiết kế đường dây điện và các sản phẩm sử dụng điện kém an toàn, không đảm bảo tiêu chuẩn chắc chắn nguy cơ quá tải, chập điện, gây ra cháy, nổ rất cao. Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn rất dễ dẫn đến quá tải, chập cháy. Để phòng tránh, người dân phải thiết kế luồn dây điện trong ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao.

Không đi đường điện treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy hay ngang qua những tấm lót sàn. Không đi dây dẫn điện trên mái tôn, tránh quá trình cọ xát làm đứt dây, chập mạch điện dẫn đến cháy nổ. Hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ cần phải có thiết kế, tính toán theo đúng quy định về an toàn điện và phòng cháy chữa cháy. Tuyệt đối không dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn.

Sai lầm rất nhiều người mắc là dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn, dẫn đến quá tải gây cháy, nổ. Các gia đình phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy. Chú ý không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm. Thường xuyên kiểm tra, thay mới các thiết bị điện, đồ dùng điện đã quá cũ có thể gây chập cháy, nguy hiểm khi sử dụng. Ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện (bàn là, siêu điện, máy sấy tóc, bếp điện…) khi không sử dụng. Không để thiết bị dùng điện gần các đồ dễ cháy như xốp, thùng carton, giấy...

Tuyệt đối không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện nếu xảy ra cháy vì rất dễ bị giật điện. Trước khi ra khỏi nhà hay trước khi đi ngủ phải kiểm tra tắt toàn bộ các thiết bị không cần thiết.

ba-ngan-2.jpg

Bà Nguyễn Thị Ngân (Tập thể Kim Liên, Hà Nội):

Người dân sợ gọi cứu hỏa mất tiền

Hà Nội có rất nhiều các khu tập thể cũ xuống cấp, “chuồng cọp”, “lồng chim” như tập thể Kim Liên. Tình trạng người dân tự ý xây dựng “chuồng cọp”, cơi nới lấn chiếm lối đi, hành lang, cầu thang, câu kéo hệ thống điện và sử dụng thiết bị điện không an toàn rất phổ biến. Vụ hỏa hoạn vừa qua là bài học đắt giá cho các gia đình trong khu tập thể.

Các khu tập thể ngày càng xuống cấp nhưng ý thức người dân trong phòng cháy, chữa cháy còn rất hạn chế. Không nhà nào trang bị thiết bị phòng cháy và thiết bị thoát nạn khi hỏa hoạn trong nhà. Do ý thức kém, hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ dân vẫn nấu nướng bếp gas, bếp than tổ ong, thậm chí đốt vàng mã ngay trong “chuồng cọp” nhà mình. Nhiều nhà còn lấn chiếm hành lang chung để vật dụng, hàng hóa dễ cháy nổ và gây cản trở lối thoát. Sau vụ cháy vừa qua, UBND phường Kim Liên cũng cho tuyên truyền vận động người dân cắt "chuồng cọp" mở lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cháy nổ. Tổ dân phố cũng vận động người dân ở các chung cư cũ nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ.

Nghịch lý là người dân bỏ nhiều tiền mua sắm đồ đạc có giá trị trong nhà nhưng lại “ngại” sắm bình chữa cháy và các dụng cụ thoát hiểm chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Khi có cháy xảy ra thì thiếu kỹ năng thoát hiểm, thậm chí không gọi báo cháy cứu hỏa 114 ngay vì tưởng cứu hỏa chữa cháy mất tiền. Mặc dù đã có luật về vi phạm xây dựng và an toàn phòng cháy nhưng với người dân trong các chung cư cũ chúng ta vẫn còn khá “nương tay”. Theo tôi, mùa nắng nóng đang tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức, trang bị các kỹ năng và thiết bị phòng cháy để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cộng đồng.

ong-thinh.jpg

Chuyên gia Lê Văn Thịnh (nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng):

Cơi nới xây dựng “chuồng cọp”: Mở không gian, đóng đường sống

Về nguyên tắc, người thiết kế các khu chung cư không bao giờ thiết kế như vậy nhưng người sử dụng lại tự ý biến đổi. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng “chuồng cọp” trong các khu chung cư. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trước tình trạng này, luật pháp phải nghiêm, cứ vi phạm là phải phá dỡ. Cơi nới như vậy không cháy thì cũng sập đổ, mất an toàn. Cần đưa vào luật "ép" tất cả nhà ở cho dù nhà ở riêng lẻ cũng phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Qua thực tế những vụ cháy gần đây có liên quan đến nhiều nhà ở kiêm cửa hàng kinh doanh nên hệ thống báo cháy tự động càng cần thiết. Về mặt thiết kế, kiến trúc phải bố trí lối thoát hiểm tuyệt đối không cơi nới, xây dựng chuồng cọp. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Vi phạm là phải phá dỡ mới đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Theo quy định của Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng vừa được Chính phủ ban hành, hành vi tự ý thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng nhà chung cư như cơi nới, làm chuồng cọp” có thể bị phạt lên đến 80 triệu đồng (trước đây mức phạt chỉ từ 30 - 40 triệu đồng).

Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra đám cháy

1. Khi thấy cháy, nổ, phải thật bình tĩnh quan sát xác định ngọn lửa, hướng khói, đường thoát, tìm cách rời đi càng nhanh chóng và an toàn càng tốt.

2. Nếu có thể bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm đẫm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy, cứu nạn. Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và trở mình liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt.

3. Nếu muốn mở cửa, hãy cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở. Khi mở cửa, cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh. Nếu có thể hãy thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh.

4. Cúi thấp người hoặc bò đất khu vực an toàn để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất. Trong trường hợp nhà ở tầng thấp, có thể tìm cách nhảy xuống dưới đất bằng cách nối các loại chăn mỏng thành dây dài.

5. Khi có cháy, gọi điện thoại ngay cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số 114 (mọi công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ đã được nhà nước chi trả, người dân không phải mất một khoản chi phí nào).

(Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ)

Theo Đời sống
back to top