Bán lẻ kỹ thuật số FPT lao đao vì dược Long Châu

(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) báo lỗ 8,5 tỷ đồng trong quý 3/2020. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, FRT ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ do đầu tư phát triển chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.

Thua lỗ vượt dự kiến

Một năm nay, FRT tiếp tục phát triển chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, mở rộng tới 176 cửa hàng, tăng thêm 126 cửa hàng so với thời điểm quý 3/2019. Việc ồ ạt mở rộng thị trường trong thời gian ngắn đưa chi phí thiết lập ban đầu các cửa hàng lên mức 239 tỷ đồng. Chi phí bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2020 vì thế cũng tăng hơn 135 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước khoảng 1.142 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 291 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ (riêng chi phí quản lý doanh nghiệp của FPT Long Châu là 47 tỷ đồng.)

Không những phải tăng chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp do mở rộng kinh doanh, FRT còn phải chịu khoản chi phí lãi vay tới 101 tỷ đồng.

Nhờ phát triển mạnh chuỗi bán lẻ dược phẩm, doanh thu của FPT Long Châu theo đó tăng đáng kể, đạt 779 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trong 9 tháng, trung bình mỗi cửa hàng FPT Long Châu mang lại doanh thu 4,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số doanh thu bán lẻ thuốc tân dược trên vẫn không đủ để kéo doanh thu thuần hợp nhất của FRT đi lên. Cụ thể, doanh thu bán hàng của FRT trong quý 3 đạt 3.459 tỷ đồng, giảm 23% (tương ứng giảm 1.051 tỷ đồng) so với quý 3/2019. Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu bán hàng của FRT đạt 10.847 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FRT lý giải cho việc sụt giảm doanh thu của FPTshop là do sức mua của thị trường suy yếu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và mặt hàng giá trị cao. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng tới kinh doanh của hệ thống các cửa hàng FPTshop. Còn FPT Long Châu thì đang trong giai đoạn mở rộng thị trường, cần ít nhất 6 tháng để hồi vốn.

Kết thúc quý 3, FRT báo lỗ trước thuế 8,5 tỷ đồng do phải gánh khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng từ chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.

Tính chung 9 tháng, công ty mẹ FRT (FPTshop) báo lãi 94 tỷ đồng, sụt giảm 70% so với 9 tháng năm 2019. Tuy nhiên, do FPT Long Châu bước đầu kinh doanh chưa hiệu quả, lỗ lớn đã kéo giảm lãi trước thuế hợp nhất xuống còn 18 tỷ đồng, giảm 94% so với năm trước. Đây là mức giảm lợi nhuận lớn nhất của FRT trong nhiều năm trở lại đây. 

Xác định được khó khăn, chấp nhận thua lỗ khi mở rộng kinh doanh, Hội đồng quản trị FRT đã kế hoạch giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010 với 15.320 tỷ đồng doanh thu (giảm 8%), hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn 220 tỷ đồng. Mặc dù, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đã giảm 21% so với thực hiện năm 2019, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất xa để FRT cán đích đúng kế hoạch năm 2020, khi 9 tháng mới hoàn thành 8% mục tiêu đề ra. Không biết FRT sẽ có phương án gì để tăng lợi nhuận lên gấp 11 lần trong 3 tháng cuối năm?

“Tưởng ngon mà khó ăn”

Hai năm vừa qua, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FRT liên tục ghi nhận giá trị âm (năm 2018: âm 1.387 tỷ đồng, năm 2019: âm 108 tỷ đồng). Đến tháng 9 năm 2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FRT đã trở lại giá trị dương, nhờ giảm hàng tồn kho. Nhưng số tiền trả nợ gốc vay gần 11.000 tỷ đồng đã làm hao hụt một lượng lớn dòng tiền thuần trong kỳ, chỉ còn âm 353 triệu đồng. Do đó, số tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn dưới 3 tháng của FRT đến thời điểm 30/9/2020 giảm mạnh còn 10 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 453 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2020, tổng tài sản của FRT ước đạt 4.752 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm. Mức giảm này chủ yếu là do giảm tiền mặt, các khoản tương đương tiền và giảm hàng tồn kho (giảm 40%). Tuy nhiên, hàng tồn kho vẫn chiếm phần lớn tổng tài sản (chiếm 42%) với 2.034 tỷ đồng. Trong đó, số hàng tồn kho của công ty mẹ là 1.772 tỷ đồng và 262 tỷ đồng tồn kho của hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu.

Theo kế hoạch, nếu tìm được công thức thành công cho chuỗi FPT Long Châu, FRT sẽ phát triển, mở rộng chuỗi nhà thuốc lên 220 cửa hàng trong năm 2020.

Để hoàn thành kế hoạch, FRT sẽ phải mở rộng thêm 44 cửa hàng FPT Long Châu nữa, tương đương chi phí bán hàng sẽ tăng lên khoảng trên dưới 40 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác. Theo thông tin từ FRT, chi phí bình quân để mở một nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng, tuỳ theo địa bàn và quy mô khác nhau. 

Điều đó có nghĩa, doanh thu của FRT trong quý 4/2020 phải đạt trên 50.000 tỷ đồng mới có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra. Điều này trên thực tế hoàn toàn bất khả thi với một doanh nghiệp có quy mô như FRT.

Một chuyên gia trong ngành y tế nhận xét, thị trường dược được coi là mảnh đất màu mỡ mà nhiều doanh nghiệp và cá nhân thèm muốn. Hiện nay, bên cạnh những kênh phân phối chính thức của bệnh viện, số lượng nhà thuốc, quầy thuốc đang mọc lên như nấm sau mưa, san sát, thậm chí còn nhiều hơn số lượng quán cơm bình dân và trà đá vỉa hè. Cạnh tranh giữa các nhà thuốc, quầy thuốc ngày càng quyết liệt. Hơn nữa, với chuỗi nhà thuốc dày đặc như Long Châu, mỗi một nhà thuốc bắt buộc phải có một dược sĩ đủ chuyên môn đứng tên và quản lý. Điều này đồng nghĩa, FRT phải tăng thêm nhiều hơn chi phí quản lý,  như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà thuốc.

Việc hy vọng chiếm lĩnh được thị trường bán lẻ dược là rất khó khăn, không phải “miếng bánh ngọt dễ ăn”, khi lượng cung ngày càng nhiều. Cạnh tranh giữa các ông lớn, thậm chí với các cửa hàng tư nhân càng ngày càng trở lên cam go và khốc liệt hơn.

Theo Đời sống
back to top