Bán lẻ: Đổi mới bằng công nghệ, nhưng bắt đầu từ đâu?

(khoahocdoisong.vn) - Thương vụ "bán" chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go cho Vingroup giá 1 USD cho thấy cuộc chiến thương mại bán lẻ đang ngày một khốc liệt. Bán lẻ phải chuyển đổi, hay tàn lụi, và phải bắt đầu từ đâu, như nào ?.

Công nghệ là chìa khóa

Thực ra, giới quan sát đang chú trọng vào nguyên nhân cạnh tranh khốc liệt và kết quả kinh doanh thua lỗ, để giải thích cho thương vụ bán hệ thống cửa hàng tiện lợi Shop&Go với giá tượng trưng - 1 USD - cho VinCommerce. Tuy nhiên, nếu nói đây là động thái rút lui "không kèn, không trống" của Shop&Go, thì đó lại là một cách hạ thấp thương hiệu bán lẻ mới nổi, nhưng hùng mạnh của VinCommerce.

Là một thương hiệu xuất xứ từ Singapore, không có nhiều cơ sở để đánh giá thực chất tài chính của thương vụ chuyển nhượng này. Nhưng thực tế dễ nhìn thấy nhất, là VinMart - thương hiệu bán lẻ của VinCommerce - sẽ lập tức mở rộng thêm 87 cửa hàng tiện lợi, với lượng khách hàng ổn định, lâu năm. Và từ đó tăng tốc mở rộng mạng lưới cửa hàng vốn dĩ đã được mở rộng rất nhanh của VinMart.    

Shop&Go chỉ là 1 trong chuỗi danh sách những hãng bán lẻ tên tuổi phải thu hẹp hoạt động, hoặc rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian vừa qua. Đầu năm 2018 Vissan tuyên bố đóng cửa gần 60/100 cửa hàng tiện lợi của hãng này. Family Mart - chuỗi cửa hàng tiện lợi liên doanh Nhật Bản từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Nhưng không lâu sau, nhà đầu tư Nhật Bản này đã phải rút lui khỏi liên doanh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, với chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ như hiện nay, mô hình cửa hàng nhỏ gọn vị trí tiện lợi, đa dạng hàng hóa, kết hợp ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử sẽ là mô hình chuyển đổi phù hợp. Và đó cũng là yêu cầu bức thiết với ngành bán lẻ ngay lúc này.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng công nghệ hóa bán lẻ đang ngày một rõ rệt. Xây dựng ứng dụng trên điện thoại, giả lập hình ảnh sản phẩm để trở nên sống động hay sử dụng dữ liệu để đưa ra gợi ý cho người dùng là 3 bước đầu tiên mà các hãng sử dụng để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Chỉ khi nâng cao trải nghiệm, quyết định chi tiêu mới được đưa ra.

Tại châu Âu, tỷ lệ người sử dụng công nghệ giả lập hình ảnh để thử quần áo lên đến 80%. Trước kia, phải một hãng bán lẻ thông thường phải mất 10-20 năm mới đạt được con số 5 triệu khách hàng. Nhưng với các app trên điện thoại, con số này có thể đạt trong vài ngày. Năm 2011, thế giới chỉ có khoảng 150 giải pháp về mặt công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử. Nay con số đã lên tới 7.000 giải pháp ở 6 nhóm: quảng cáo, nội dung và trải nghiệm, cộng đồng, kinh doanh, dữ liệu, vận hành quản lý. Và thế là lựa chọn giải pháp hay công nghệ nào để phù hợp với mô hình bán lẻ, lại trở thành... việc khó.

Kinh nghiệm của các chuyên gia về bán lẻ cho thấy, thị trường Việt Nam ngay lúc này cần công nghệ phù hợp, vừa túi tiền. Các doanh nghiệp thay đổi theo thay đổi xu hướng mua sắm của khách hàng, chứ không phải theo thay đổi của công nghệ. Nếu nhìn vào sự tiến hóa của các nhà bán lẻ Mỹ năm 2018, có thể thấy thành công luôn đi kèm với ứng dụng công nghệ vào cung ứng, vận hành cửa hàng tự động, nâng cao tính trải nghiệm cho khách hàng. Sau đó là thu hút khách hàng bằng app trên điện thoại để giữ liên lạc, tích điểm đổi quà, khuyến mại, giao hàng tận nơi...

Xu hướng đa kênh

Trước áp lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ, siêu thị đang đua sử dụng ứng dụng mua hàng trên điện thoại, nâng cấp dịch vụ giao hàng, kết hợp xu hướng bán hàng đa kênh. Đầu năm 2018, siêu thị Lotte triển khai ứng dụng mua sắm trên điện thoại. Hãng này cho biết, lượng người dùng tăng trưởng gấp đôi mỗi tháng. Giá trị mỗi đơn hàng của người dùng app cũng đạt cao hơn 70% so với người mua sắm trực tiếp tại hệ thống. Saigon Coop sau nhiều lần trì hoãn cũng đang bắt đầu ứng dụng mô hình thương mại điện tử kết nối đa phương tiện.

Theo kết quả khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2018 vừa được thực hiện bởi nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo, xu hướng nổi bật năm 2018 là bán hàng đa kênh. Có tới 54% shop bán hàng cho biết sử dụng trên tối thiểu 5 kênh khác nhau như: Facebook, cửa hàng, website, sàn thương mại điện tử, đại lý, cộng tác viên... Kết quả khảo sát trên 5.000 shop kinh doanh nhỏ của Sapo cho thấy, có tới 97% cửa hàng cho biết họ đang bán hàng trên 2 kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng có bán tối thiểu trên 5 kênh khác nhau.  Top 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất của các cửa hàng lần lượt là Facebook (87%), website (82%), cửa hàng/showroom (80%), đại lý/cộng tác viên (60%) và các sàn giao dịch TMĐT (58%).

Cũng theo khảo sát, trong năm 2018, trung bình mỗi cửa hàng chi khoảng 10,4 triệu đồng/tháng để tiếp thị, quảng cáo, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng so với năm 2017. Ngân sách trung bình tiếp thị tại cửa hàng là cao nhất - 88 triệu đồng/năm/shop, sau đó lần lượt là website - 79,2 triệu đồng/năm/shop, quảng cáo Facebook - 75,2 triệu đồng/năm/shop và Sàn TMĐT - 58,5 triệu đồng/năm/shop. Top 5 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng phổ biến nhất bao gồm tiếp thị, quảng cáo trên Facebook (80,5% có sử dụng), tổ chức chương trình tiếp thị tại cửa hàng (59,8%), seo website (51,1%), đăng bài trên các diễn đàn, trang rao vặt (51,1%) và chạy quảng cáo Google (50,6%).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ phương pháp tiếp thị nào cũng đều có hai mặt, nên lựa chọn nhiều kênh để tìm thấy phương thức hiệu quả. Một cửa hàng bán lẻ khi có 6 kênh bán hàng được cho là mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, không cần thiết phải tham gia cả 6 kênh, chỉ cần làm tốt 1-2 kênh là đủ để tiếp cận khách hàng. Nếu tham gia nhiều kênh mà không có biện pháp xử lý đơn hàng hiệu quả sẽ tiêu tốn thêm nguồn vốn, nhân sự hoặc xảy ra nhiều sai sót...

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Kinh doanh phần mềm quản lý bán hàng Sapo cho biết có 3 bước để phát triển việc ứng dụng công nghệ vào chiến lược kinh doanh. Việc đầu tiên doanh nghiệp cần phải làm là thiết lập quy trình vận hành, tức là các công đoạn để tiến hành hoạt động kinh doanh. Từ việc tạo ra các kênh bán hàng, thu hút khách hàng đến việc bán hàng và chăm sóc khách hàng. Thứ hai là xây dựng lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ.

Khi đã có lộ trình, bước thứ ba là xác định mục tiêu phù hợp, khả thi. Quan sát tác động của công nghệ đó đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cần phải có kế hoạch cụ thể ứng dụng công nghệ gì trong từng giai đoạn. Đổi mới công nghệ bán lẻ cần phải làm thật nhanh thì doanh nghiệp mới mong có thể cạnh tranh bởi tốc độ bán lẻ trực tuyến dự báo sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo.

Theo Đời sống
back to top