Bán ít, mua nhiều, TPBank và công cụ biến ảo mang tên trái phiếu

(khoahocdoisong.vn) - Tăng trưởng tín dụng thấp, lãi suất cho vay hạ, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đẩy mạnh kinh doanh trái phiếu để tạo lợi nhuận. Ngoài kết quả kinh doanh cao, ngân hàng này còn giảm được tỷ lệ nợ xấu và tăng vốn thông qua kênh trái phiếu.

Buôn trái phiếu doanh nghiệp

TPBank công bố kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2020 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 414 tỷ đồng, tương đương tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 50% kế hoạch đã đề ra tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hồi tháng 4/2020.

Tổng tài sản TPBank đạt 181.340 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm. Tổng huy động đạt trên 96.214 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và hoàn thành 60% kế hoạch mục tiêu.

Là một ngân hàng có quy mô nhỏ, còn hạn chế về mạng lưới các địa điểm giao dịch và số lượng khách hàng, TPBank tìm nguồn thu từ dịch vụ, trong đó bao gồm đẩy mạnh hoạt động đầu tư trái phiếu kinh doanh, để bù đắp cho nhu cầu lợi nhuận. Theo đó, TPBank kế hoạch mua 12.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2020, tăng 249% so với năm 2019 và đã được các cổ đông thông qua.

Trong 6 tháng đầu năm, TPBank đã mua 10.452 tỷ đồng TPDN, đạt 87% mục tiêu đề ra.

Dự báo, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của TPBank cả năm 2020 sẽ duy trì ngang bằng so với năm 2019,  nhờ có sự cân bằng giữa việc đẩy mạnh mảng trái phiếu và xu hướng lãi suất giảm vào cuối năm.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của khoản thu nhập từ lãi suất cao, thị trường TPDN cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đặc thù của trái phiếu là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trường hợp công ty phát hành trái phiếu phá sản, nhà đầu tư ôm trái phiếu khó có thể thu hồi vốn do không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm và không có đơn vị bảo lãnh phát hành.

Khi các ngân hàng đầu tư trái phiếu của các tổ chức kinh tế, đa phần sẽ tiếp tục chuyển nhượng số trái phiếu đó cho các nhà đầu tư khác để kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng sẽ mua lại trái phiếu của chính doanh nghiệp đang có nợ xấu tại ngân hàng mình để đảo nợ, từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu. Do đó, về bản chất, các TPDN này vẫn là nợ xấu tiềm ẩn. 

Tỷ lệ nợ xấu của TPBank trong 6 tháng đầu năm được đưa về mức 1,47%, khá thấp so với tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay.

Điều này dấy lên nghi ngờ về mối liên quan giữa tỷ lệ nợ xấu thấp của TPBank với hơn 10.000 tỷ đồng TPDN mà ngân hàng này đã mua. Quy mô khoản đầu tư TPDN trên và các khoản cam kết, bảo lãnh ngoại bảng và nợ nhóm 2 chưa chuyển đổi của TPBank có thể lên tới trên 30.000 tỷ đồng, nhiều hơn gấp 3 lần vốn điều lệ của TPBank, tiềm ẩn rủi ro lớn khó kiểm soát trong tương lai.

Tăng vốn huy động ảo 

Trong ĐHĐCĐ đầu năm 2020, TPBank đã thông qua kế hoạch phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, qua đó tăng quy mô nguồn vốn ổn định cho ngân hàng.

Cho đến nay, TPBank đã phát hành thành công hơn 3.800 tỷ đồng trái phiếu với 19 đợt phát hành thành công, vượt chỉ tiêu kế hoạch đầu năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và mức lãi suất áp dụng dao động từ 5,5%/năm đối với kỳ hạn 3 năm. Đối với kỳ hạn trên 7 năm, lãi suất trái phiếu là 8,8 - 9,2%/năm cho kỳ đầu tiên. Các kỳ tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,6%/năm. Trong đó, tổ chức lưu ký cho các lô trái phiếu này chính là TPBank. Danh sách trái chủ không được công bố, chỉ được đề cập là nhà đầu tư trong nước.

So với hình thức gửi tiết kiệm, lãi suất trái phiếu ngân hàng của TPBank thấp hơn rất nhiều. Bình quân, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 24 tháng của các ngân hàng trong tháng 9/2020 là 6,5 - 7%/năm. Nhưng nếu so sánh với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thì lãi suất trái phiếu ngân hàng TPBank thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, tính đến 30/6/2020, TPBank còn khoản phải thu lên tới 2.610 tỷ đồng từ các hợp đồng bán trái phiếu và bán nợ. Có thể hiểu rằng, ngân hàng này đã “bán chịu” một lượng lớn trái phiếu và vẫn chưa thu được tiền. Như vậy, kế hoạch tăng vốn trung và dài hạn về lý thuyết là thành công. Nhưng số vốn huy động thực tế đạt được rất ít, không đáng kể.

Không rõ, Nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân nào “thân” với TPBank đến mức có thể “mua chịu” được hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng này?

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thân hữu của ngân hàng “lách luật” thành lập công ty con, công ty liên doanh, liên kết... rồi phát hành trái phiếu. Ngân hàng mua những trái phiếu ấy. Sau đó doanh nghiệp đó lại lấy tiền bán trái phiếu để đầu tư ngược lại ngân hàng. Về bản chất, tiền không sinh ra mà chỉ từ ngân hàng sang doanh nghiệp nào đó, rồi lại quay về ngân hàng với danh nghĩa là vốn đầu tư. Do mối quan hệ thân tín như vậy, nên việc thanh toán chậm hợp đồng mua trái phiếu là không khó hiểu. Tất nhiên, hình thức sở hữu chéo này giúp gia tăng ảo nguồn vốn huy động và hợp thức hoá việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn và an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41/NHNN.

Ngoài việc phát hành trái phiếu ngân hàng, TPBank cũng tích cực mua tới 11.887 tỷ đồng trái phiếu của tổ chức tín dụng khác. Việc mua chéo trái phiếu giữa các ngân hàng không chỉ tạo ra nỗi lo “cải thiện ảo” vốn huy động, đối phó với yêu cầu của NHNN trong việc cho vay trung và dài hạn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời của các ngân hàng khi lãi suất thu về của lượng trái phiếu đang nắm giữ thấp hơn giá vốn.

Theo SSI, hết 6 tháng của năm 2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 171,5 nghìn tỷ đồng TPDN, tăng 61,3% và bỏ xa mức tăng trưởng 37% của năm 2019. Các ngân hàng thương mại mua 38,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 22% tổng trái phiếu các tổ chức phi tín dụng phát hành trong 6 tháng của năm 2020, trong đó mua 28,2 nghìn tỷ đồng các trái phiếu bất động sản. Cá nhân mua 23 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường và bằng 79% lượng mua của nhà đầu tư cá nhân cả năm 2019. 

Như vậy, các ngân hàng đang đóng vai trò chính trên thị trường TPDN. Trong cả việc mua và bán TPDN. Quy định phát hành TPDN thời gian trước khá thoáng, trong khi quy định giám sát dòng tiền huy động từ TPDN cũng mờ nhạt. Do vậy, không loại trừ khả năng một dòng tiền rất lớn từ một số ngân hàng đã chảy qua kênh mua TPDN "sân sau". Và hình thành sàn giao dịch hẹp về vốn giữa một số chủ ngân hàng. 

Theo Đời sống
back to top