Bạn đã biết đi bộ đúng cách?

i bộ là một trong những hình thức luyện tập thể dục được nhiều người lựa chọn, không chỉ bởi cách thức tập luyện đơn giản, dễ dàng, phù hợp với mọi lứa tuổi, mà còn bởi  thời gian và môi trường luyện tập linh hoạt. Các chuyên gia khuyến cáo tùy theo sức khỏe, độ tuổi, bệnh lý mà mỗi người nên đi bộ đúng cách thích hợp, đi nhanh hay chậm, thời gian bao lâu, nên đi vào lúc nào….
Đi bộ đúng cách giúp tăng cường sức khỏe

Đi bộ đúng cách giúp tăng cường sức khỏe – ảnh minh họa

Lợi ích của việc đi bộ

Theo BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354, về cơ bản, đi bộ cũng như mọi mọi hình thức vận động khác đều làm tăng sự lưu thông khí huyết, đem lại nhiều lợi ích cho người tập.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đi bộ đúng cách đều đặn, ít nhất nhưng 3 ngày/tuần, sẽ đem lại những tác dụng hữu ích như: tăng độ dẻo dai, rắn chắc của cơ bắp, gân cốt; tăng mật độ xương, chống loãng xương, kích thích tiết chất chống thoái hóa khớp; kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon ngủ sâu; chống táo bón; tăng cường chuyển hóa, chống bệnh mỡ máu cao, giảm cholesterone xấu, tăng cholesterone tốt; tăng tuần hoàn máu, tăng sự dẻo dai của thành mạch, điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ,…; giảm stress; giảm đau nhức cơ, xương; chống lão hóa;…

Đi bộ thế nào cho khỏe

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, cũng khẳng định đi bộ là một phương pháp tập luyện thích hợp với nhiều người, từ trẻ em đến cụ già, người ốm, người khỏe, người mang thai, người béo phì…

Tuy nhiên, mỗi người nên căn cứ vào sức khỏe, độ tuổi và hiện trạng bệnh lý của mình mà chọn hình thức đi bộ đúng cách, phù hợp. Ví dụ, người trung bình sẽ đi tối đa 60 phút mỗi ngày tương đương với 5km; nhưng đối với phụ nữ đang mang thai nên đi bộ chậm, bước vừa phải không gắng sức, thời gian đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút, nếu ở cuối thai kỳ có thể chia làm 2 lần sẽ có lợi cho cả mẹ và con; hay người béo phì muốn giảm cân nên đi bộ tối thiểu 30 phút mỗi ngày, đi chậm để tránh nguy cơ viêm khớp, chấn thương khớp, đồng thời đốt nhiều mỡ thừa hơn…

Trước khi đi bộ cần khởi động nhẹ bằng cách thư giãn, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, điều hòa nhịp thở sau đó đi thật thoải mái, thong dong và tăng dần vận tốc.

Có thể ước chừng vận tốc đi nhanh hay chậm như sau: đi chậm, thong thả, phù hợp với người cao tuổi, mỗi phút khoảng 70 bước; đi nhanh dành cho người khỏe, có thể mỗi phút đi được khoảng 100 bước, sải chân dài, chân bước tay vung, nếu có máy đo có thể xác định đươc năng lượng tiêu hao 270kcal/giờ, và nhu cầu oxy là 56 l/giờ.

Lưu ý thời gian, môi trường

Các chuyên gia cho rằng về cơ bản để đảm bảo đi bộ đúng cách, môi trường đi bộ cần trong lành, không nắng gắt; tuy nhiên, không nên đi bộ vào sáng sớm hoặc tối muộn, nhất là trong mùa lạnh, trời nhiều sương giá gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thời gian đi bộ hợp lý nhất là từ khoảnh 6 – 10h sáng và 16 – 18h chiều.

Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, cho biết ba thời điểm thích hợp để đi bộ là sáng sớm lúc mới thức dậy, sau khi ăn cơm chiều, và trước khi đi ngủ. Cụ thể, đi bộ sáng sớm sau khi ngủ dậy, bạn sẽ hít thở được không khí trong lành, nhất là khi có ánh mặt trời mới lên.

Đặc biệt đi bộ vào sáng mùa xuân được xem là phương pháp dưỡng sinh rất tốt vì vạn vật đang sinh sôi, nẩy nở. Đi bộ đúng cách, nhẹ nhàng sau bữa ăn tối cũng được xem là một phương pháp giúp dạ dày co bóp và tiêu hóa dễ dàng hơn. Đi bộ nhẹ nhàng  trước khi ngủ cũng sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia khi đi bộ, người tập cần đi giày thể thao vừa chân, có độ đàn hồi tốt, đế mềm; trang phục gọn gàng. Mùa hè bạn nên có những bộ tập thông thoáng, thấm mồ hôi,chất liệu mát; mùa đông thì một chiếc áo gió là người bạn đồng hành không thể bỏ qua.

Tốt nhất không cầm thứ gì ở tay, nếu mang theo ô hoặc áo mưa, nước uống… thì cho vào túi có quai đeo trên vai. Chú ý mang theo nước để bổ sung lượng nước mất đi trong quá trình luyện tập. Không nói chuyện, không suy nghĩ lung tung, mà phải tập trung vào hơi thở và bước đi..

Cần lưu ý một số trường hợp không nên đi bộ, ví dụ như những người đang trong tình trạng hoặc có dấu hiệu: chóng mặt, khó thở, rối loạn tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp, lỏng khớp, viêm gót chân, bàn chân, viêm tắc động, tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chân, phù 2 chi dưới, đau cơ, teo cơ, mệt mỏi, nhức đầu nặng… (BS Đào Bá Vy)

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top