Bấm tím da vì không để ý tương tác thuốc

(khoahocdoisong.vn) - Người bệnh trong quá trình sử dụng các thuốc chống đông có thể gặp một số tác dụng phụ như bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đái máu, rong kinh, rong huyết, đau bụng, nôn máu đi ngoài phân đen...

Bà Nguyễn Thị Hạnh (67 tuổi, Quảng Ninh) bị bệnh tim phải uống thuốc chống đông nhóm đối kháng vitamin K. Bác sĩ dặn bà khi dùng thuốc cần chú ý ăn uống và sử dụng các loại thuốc khác để tránh tương tác nhưng bà không để ý.

Khi thấy trên cơ thể xuất hiện nhiều vùng bấm tím, bà mới đi khám thì được biết là do tương tác của thuốc với thực phẩm và thuốc mà bà hay sử dụng.

Lời bàn: ThS.BS Phan Thị Lan Anh, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, thuốc chống đông để ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong lòng mạch ở các bệnh nhân bị rung nhĩ, hẹp van hai lá, van tim nhân tao, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc mạch phổi… để ngăn ngừa các biến cố thuyên tắc mạch hệ thống như nhồi máu não, tắc mạch chi, nhồi máu cơ tim…

Người bệnh trong quá trình sử dụng các thuốc này có thể gặp một số tác dụng phụ như bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đái máu, rong kinh, rong huyết, đau bụng, nôn máu đi ngoài phân đen... thậm chí một số trường hợp người bệnh có thể có rối loạn đông máu nặng như: xuất huyết nội tạng, xuất huyết não gây tử vong...

Nhóm thuốc chống đông này thường tương tác với nhiều loại thức ăn và các thuốc khác: Các rau họ cải, các loại đậu đỗ, quả bơ, bia, rượu… hoặc các thuốc chống viêm, giảm đau (paracetamol, diclophenac, piroxicam..), kháng sinh (cephalosporin, metronidarol, nhóm quinolon...), thuốc chống loạn nhịp (cordaron). Sự tương tác này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tăng khả năng xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, người bệnh cần phải chú ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo Đời sống
back to top