Bài toán nhân lực TP.HCM cần giải để chống dịch 'trường kỳ'

Trong bối cảnh lực lượng chi viện từ Trung ương cần san sẻ cho nhiều địa phương, một tháng qua, TP.HCM đã huy động mọi nguồn lực y tế từ công lập tới tư nhân, tình nguyện viên.
Nhan luc y te tai TP.HCM anh 1

Nếu coi mặt trận chống dịch tại TP.HCM là một “chiến trường”, thì rất nhiều địa bàn tại đây vẫn đang thiếu “chiến sĩ”. Nhu cầu nhân lực y tế cần bổ sung của thành phố là hơn 12.000 người, theo thống kê của Tổ điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 hôm 31/7.

Dù thành phố đã có phương án hỗ trợ cho từng quận, huyện, không phải kế hoạch nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Trong bối cảnh chi viện từ Trung ương phải phân cho nhiều địa phương phía Nam (như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai…), TP.HCM phải tận dụng triệt để nguồn lực tại chỗ để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, cải thiện hệ thống cấp cứu và hạn chế ca tử vong cũng là hai bài toán mà thành phố cố gắng giải quyết nhiều tuần qua.

Tình nguyện viên ngại tham gia khối điều trị

Giữa tháng 7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Dương Anh Đức liên tục có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Y tế đề nghị được hỗ trợ hàng nghìn nhân lực y tế. Tổ điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (Tổ điều phối) được thành lập do Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân làm tổ trưởng, nhằm giúp thành phố tái tổ chức lực lượng cho cuộc chiến “trường kỳ”.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, cứ 100 trường hợp F0, cần ít nhất 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng chăm sóc sức khỏe. Để hỗ trợ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, hôm 30/7, Tổ điều phối đã phân công tình nguyện viên y tế để hỗ trợ 50% nhu cầu nhân lực của mỗi địa phương, nửa còn lại do các đơn vị tự đáp ứng.

Tuy nhiên, lực lượng này chưa hoàn toàn giúp địa phương tháo gỡ khó khăn.

Nhan luc y te tai TP.HCM anh 2

TP.HCM đang tiếp tục huy động lực lượng tình nguyện viên chống dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trao đổi với Zing, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết quận vẫn “thiếu trầm trọng”. Theo danh sách, quận 11 được chi viện 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng - bằng đúng một nửa nhu cầu 15 nhân viên y tế để chăm sóc cho 2 cơ sở cách ly với quy mô 470 giường.

Thực tế, quận mới chỉ tiếp nhận 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng trong quyết định phân bổ người về khu cách ly. Sau khi tiếp xúc với địa phương, 3 tình nguyện viên này từ chối làm việc tại cơ sở điều trị F0 bởi “không biết gì về khu cách ly”. Do vậy, quận 11 quyết định điều họ sang phục vụ công tác tiêm chủng.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Tổ trưởng Tổ điều phối, cho biết đã ghi nhận tình trạng kể trên và lý giải số nhân sự chăm sóc y tế mà tổ phân bổ cho địa phương đều là tình nguyện viên. Người nào thấy thuận lợi thì họ tiếp tục tham gia, còn chưa phù hợp thì xin chuyển khu vực khác.

“Vì nhóm đó được cử về khu cách ly F0 cũng ngại nên nhiều trường hợp cuối cùng không tham gia”, ông Nhân cho hay.

Tổ trưởng Tổ công tác cho biết đang tiếp tục huy động thêm lực lượng tình nguyện viên đợt 2, đợt 3. Trong lúc đó, quận 11 vẫn phải tiếp tục tự xoay xở dựa trên số nhân lực hiện có.

Cải thiện hệ thống cấp cứu

Hơn một tuần trước, Trung tâm cấp cứu 115 chỉ có 23 xe cấp cứu chạy toàn thành phố. Lượng xe cấp cứu không đáp ứng được việc di chuyển hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Khi không thể gọi được xe cấp cứu, các địa phương phải chủ động tìm cách đưa người dân nhập viện khi bệnh trở nặng.

Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết hiện ngoài 2 xe cấp cứu của 115 đóng trên địa bàn, quận huy động được 22 xe các loại để chuyển bệnh nhân (mỗi phường/xe), còn 2 xe do tổ phản ứng nhanh của quận quản lý. Nhờ đó, việc chuyển bệnh nhân có triệu chứng đến cơ sở điều trị tương đối trôi chảy.

Tương tự, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết khi hệ thống cấp cứu 115 quá tải, quận đã huy động được 16 xe của các phòng khám đa khoa trên địa bàn để phân về 16 phường. Không còn gặp khó khăn về lưu chuyển nhưng ông Long cho biết đến giờ vẫn còn trường hợp bệnh nhân trên địa bàn phải chờ nhập viện do tuyến trên hết giường.

“Trường hợp nào nặng phải đưa vào bệnh viện để tạo cơ hội cho người ta được sống. Nếu quá tải có thể để 2 người/giường”, ông nói.

Nhan luc y te tai TP.HCM anh 3

TP.HCM tăng cường hệ thống xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Vấn đề từ chối hoặc chậm tiếp nhận bệnh nhân nhập viện được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc tới lần đầu tiên vào giữa tháng 7, khi số ca nhiễm tại TP.HCM vượt ngưỡng 21.000. Kể từ đó, thành phố tập trung nguồn lực để giải quyết 3 việc: Tăng số lượng cuộc gọi tiếp nhận tại tổng đài 115; tăng số giường bệnh; và tăng số xe cứu thương.

Hơn một tuần kể từ khi Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến được triển khai tại Công viên phần mềm Quang Trung, số lượng cuộc gọi được đáp ứng qua đường dây này cải thiện. Thống kê đến 2/8 cho thấy tổng đài cấp cứu 115 đã tiếp nhận và xử lý thành công 89% cuộc gọi và đang tiếp tục tăng thêm.

Số xe cấp cứu từ 23 dự kiến tăng lên 100, cùng với 226 chiếc hoán cải từ xe 15 chỗ được phân bổ dần về các địa phương. 38 cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 5 tầng được thành lập, tổng công suất 46.000 giường.

Ngoài cơ sở điều trị bệnh nhân hồi sức 1.000 giường đã đi vào hoạt động, Bộ Y tế thiết lập khẩn cấp thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực khác do các bệnh viện hạng đặc biệt điều hành.

Dù tình hình thay đổi theo chiều hướng khả quan sau nhiều nỗ lực, số ca nhiễm ở mức 3.000-4.000/ngày vẫn là thách thức đối với ngành y tế. Ngày 3/8, Sở Y tế TP.HCM một lần nữa gửi công văn đến các cơ sở y tế, nhấn mạnh yêu cầu “tuyệt đối không được từ chối hoặc xử lý chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào được chuyển đến”, cho thấy vấn đề này tồn tại suốt thời gian qua.

Còn tình trạng bệnh nhân nhập viện trễ

Sau gần 5 tuần áp dụng Chỉ thị 16 và thay đổi nhiều chiến lược y tế, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận điều trị bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ tử vong là vấn đề TP.HCM đối mặt.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết để cải thiện công tác điều trị, thành phố đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Thành phố đặt hàng các trường đại học để tập huấn sinh viên xử lý trường hợp nặng cần hồi sức tích cực. Từ tầng 1 đến tầng 4, thành phố triển khai các đội xe để chuyển F0 có triệu chứng trở nặng ngay lên tuyến trên.

Sở Y tế thành lập Đội đặc nhiệm hồi sức cấp cứu để tư vấn từ xa, hỗ trợ tại chỗ, “cầm tay, chỉ việc” cho các bệnh viện ở tầng điều trị thứ 3, xử lý kịp thời bệnh nhân nặng. Hệ thống chuyển tuyến hai chiều (chuyển lên tầng điều trị cao hơn khi bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển xuống tầng điều trị dưới khi thuyên giảm) được thành lập.

Mỗi phường, xã đều có xe vận chuyển bệnh nhân. Các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng bắt đầu hình thành phòng cấp cứu tiếp nhận người có triệu chứng nặng.

Nhan luc y te tai TP.HCM anh 4

TP.HCM liên tục tăng trang thiết bị, nhân lực nhưng vẫn đang quá tải và đang thiếu. Ảnh: Duy Hiệu.

Thực thi nhiều giải pháp với nỗ lực lớn, Phó bí thư Phan Văn Mãi nhìn nhận TP vẫn "quá tải và đang thiếu". Ông đánh giá tại một số thời điểm và địa bàn, còn tình trạng chưa đáp ứng kịp thời. Thành phố tiếp tục bổ sung năng lực để hạn chế việc bệnh nhân có nhu cầu nhập viện nhưng chưa được nhận hoặc nhận trễ, khiến trở nặng hơn hoặc tử vong.

Từ khi chuyển chiến lược sang điều trị, thành phố thay đổi phương pháp phân tích số liệu, từ tập trung đếm ca dương tính chuyển sang thống kê số ca khỏi bệnh, chuyển nặng và tử vong; từ đó, đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn ca chuyển nặng, tử vong, đặc biệt lưu ý kết nối liên thông tầng 3, 4, 5.

"Chúng tôi quan sát thấy khâu tiếp nhận và xử trí ở lớp 3 là chỗ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Đây là chỗ thành phố sẽ tập trung", ông nói.

Ngày 4/8 và 5/8, số ca mắc tại TP.HCM đều ghi nhận dưới 4.000, giảm so với trước đó. Cùng với đó, số bệnh nhân xuất viện mỗi ngày liên tục tăng, 2.000-3.000 ca/ngày. 30 ổ dịch đang diễn tiến của thành phố đã được khoanh vùng, giám sát và đến nay chưa phát hiện thêm. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy những biện pháp của TP.HCM đang đi đúng hướng, tạo động lực để tuyến đầu tiếp tục chiến đấu cho một cuộc chiến dài hơi.

Theo zingnews.vn
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top