Bài toán kinh tế đêm và hệ quả môi trường Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội kỳ vọng kinh tế đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

6 không gian động lực để thúc đẩy kinh tế đêm

Đề án Kinh tế đêm được UBND TP Hà Nội đề xuất dựa trên Quyết định số 1129/QĐ -TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, đề án này dự kiến sẽ tổ chức 6 không gian động lực để thúc đẩy kinh tế đêm (KTĐ), gồm Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian đi bộ trong khu phố cổ (Hàng Đào - Hàng Giấy và chợ đêm Đồng Xuân, Các tuyến phố đi bộ mở rộng Khu bảo tồn cấp I như Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện); Không gian ẩm thực tại Chợ đêm Đồng Xuân; Không gian ẩm thực tại tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ; Không gian văn hóa thời trang phố Tràng Tiền và 131 vòm cầu Phùng Hưng.

KTĐ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như văn hóa, vui chơi, giải trí: các không gian đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà hát, rạp chiếu phim, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các quán bar, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, internet… đến hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động KTĐ.

Thời gian dự kiến sẽ mở cùng với không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, từ tối thứ 6 đến hết ngày chủ nhật, nhưng sẽ không giới hạn thời gian ban đêm. Việc thực hiện thí điểm các hoạt động KTĐ sẽ được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện từ khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt đến ngày 31/8/2021. Giai đoạn này sẽ tập trung phát triển các không gian động lực cho KTĐ để tạo tiền đề phát triển toàn diện trên địa bàn. Giai đoạn 2 là từ ngày 1/9/2021, sẽ tập trung phát triển KTĐ toàn diện trên địa bàn.

KTĐ được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng dịch vụ, thương mại, du lịch liên hoàn, tăng cường hình ảnh của Hà Nội trong con mắt của khách du lịch khi tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, KTĐ càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành cách hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”.

Thực tế hiện nay, KTĐ tại Hà Nội đang manh nha triển khai với hoạt động kinh doanh ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các dịch vụ kinh doanh ở đây được mở đến 2h sáng từ tối thứ 6 đến hết ngày chủ nhật. Theo ghi nhận của UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi mở năm 2016, các dịch vụ này đã thu hút thêm nhiều du khách khi đến với Thủ đô.

Vẫn còn những bất cập cần xử lý

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, KTĐ vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác; cũng như gia tăng các vụ vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng do hệ luỵ của việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các đồ uống có cồn.

Đặc biệt là về môi trường. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm - trọng tâm của KTĐ những năm qua sau mỗi lần sự kiện ngoài trời, như Countdown đón năm mới hoặc Giáng sinh, tuyến phố đi bộ tràn ngập rác thải, đồ ăn thừa, túi nilion.

Cùng với đó, hiện tượng dắt hoặc thả rong chó và các vật nuôi không đeo rọ mõm vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí nhiều trường hợp vật nuôi phóng uế ra đường nhưng không được xử lý kịp thời.

Ô nhiễm tiếng ồn cũng đang gây phiền toái cho du khách. Các nhóm nhạc biểu diễn đủ mọi loại hình âm nhạc, cách nhau chưa đầy 10m. Nhóm chơi đàn, kéo nhị, nhóm nhạc nhảy hiện đại… Mặc dù đã có quy định về hạn chế tiếng ồn từ hoạt động văn hóa văn nghệ khu vực phố đi bộ, nhưng trên thực tế âm thanh từ những chiếc loa công suất lớn của các nhóm nhạc gây nên sự hỗn tạp.

Do đó, tại đề án phát triển KTĐ này, ông Lâm cho biết đã chủ động đề xuất lắp đặt bổ sung hệ thống thùng rác công cộng tại các không gian tổ chức thí điểm phát triển KTĐ đảm bảo thẩm mỹ, mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cải tạo các nhà vệ sinh công cộng (WC) hiện có và lắp đặt bổ sung các nhà WC lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức về đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh tham gia KTĐ.

Ngoài ra, quận đã đề xuất bộ hướng dẫn cụ thể để các cơ sở kinh doanh tham gia KTĐ nâng cao chất lượng phục vụ, dần dần loại bỏ các hình thức bán rong khỏi khu KTĐ; xóa bỏ các mái che mái vẩy, biển quảng cáo gây mất mỹ quan.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, đề án đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát công tác an ninh, trật tự xã hội, y tế, môi trường… tại các địa bàn phát triển KTĐ. Đảm bảo phát triển KTĐ gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top