Bài thuốc giúp hồi phục sức khỏe sau viêm phổi

(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, những người bị viêm phổi (phế viêm) nói chung và viêm phổi sau điều trị Covid-19 nói riêng cần phải phục hồi sức khỏe của phổi và các tạng khác như tâm, tỳ, thận...

Ttheo Đông y, những người bị viêm phổi đã được chữa khỏi thường gọi là thời kỳ phục hồi sức khỏe sau viêm phổi. Bởi vì tạng phế bị bệnh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vài 3 tạng khác trong cơ thể như tâm, tỳ, thận.

Đông y gọi tạng phế là Hoa cái, có tác dụng che chở cho các tạng phủ khác. Phế còn chủ về phần biểu (bên ngoài) của toàn thân, bảo vệ bên ngoài của tạng phủ. Phế còn là kiều tạng – ví như một kiều nữ - đẹp nhưng yếu ớt, không chịu nổi được nóng lạnh. Phế còn là một thể thanh hư (trong và rỗng) ngoài hợp với bì mao (da, lông), khai khiếu ở mũi, một trăm mạch đều hướng về phế (phế triều bách mạch – bách mạch sở triều).

Ngoại tà lục dâm (phong, hàn, thử thấp táo hỏa), có thể còn gọi là độc khí, lệ khí, dịch khí. Mở đầu tà đi theo đường da, lông, miệng, mũi vào cơ thể, trước hết là xâm nhập tạng phế, gây ho nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau mình. Nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ biến chứng nặng hơn như ho khan, tức ngực, suyễn thở, phát sốt, ngứa họng hoặc đau rát họng, chán ăn, mất ngủ, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền hoạt sắc, đới phù hồng nhẹ. Đây chính là triệu chứng viêm phổi cấp tính, rất nguy hiểm.

Theo Đông y, tạng phế bị tổn thương do vị viêm nhiễm, nguyên nhân gây ra phế âm hư và liên quan tới thận âm hư. Phế và thận là quan hệ mẫu tử, kim thủy tương sinh, phế kim sinh thận thủy. Phương pháp điều trị là phế thận đồng trị (chữa cả phế và thận). Triệu chứng của phế thận âm hư cho thấy còn ho, khí nghịch lên, khản tiếng, triều nhiệt, mồ hôi trộm, di tinh, lưng đau, gối mỏi, người gày, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác. Thường dùng các vị như sa sâm, thiên môn đông, mạch môn đông, sinh địa, thục đia, nữ trinh tử, hạn liên thảo để tư bổ chân âm của phế và thận.

Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc cổ phương về tư bổ chân âm của phế thận.

Bài Mạch vị đại hoàng hoàn (Thọ thế bảo nguyên): Bài thuốc còn có tên là Bát tiên trường thọ hoàn (tức bài Lục vị địa hoàng hoàn gia mạch môn, ngũ vị). Gồm có: Mạch môn đông, ngũ vị tử, thục địa hoàng, sơn thù du, sơn dược (hoài sơn) trạch tả, đơn bì, bạch linh. Công hiệu: Bổ ích phế thận, tư âm thanh nhiệt. Chủ trị: Phế thận âm hư, ho, suyễn nghịch, triều nhiệt (hàng ngày hâm hấp sốt nhẹ theo giờ), ra mồ hôi trộm. Thuốc có thể làm hoàn hoặc thuốc thang tùy theo liều lượng sử dụng.

Bài Bách hợp cổ kim thang (Y phương tập giải): Gồm có sinh địa 6g, thục địa 9g, mạch môn đông 5g, bách hợp 3g, thược dược 3g, đương quy 3g, bối mẫu 3g, sinh cam thảo 3g, huyền sâm 3g, cát cánh 2g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần. Công dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế hóa đàm. Chủ trị phế thận âm hư, hư hỏa thượng viêm, triệu chứng ho, suyễn thở, họng sưng đau, trong đờm có vấy máu hoặc khạc ra máu, tay chân phiền nhiệt, buồn bã, lưỡi đỏ rêu ít, mạch tế sác.

Bài Tư âm tiễn (cảnh nhạc toàn thư): Đại sinh địa từ 2 – 3 đồng cân, mạch môn, bạch thược dược, bách hợp, sa sâm mỗi vị 2 đồng cân, cam thảo 1 đồng cân, phục linh 1 đồng rưỡi (1 đồng cân = 3,7g). Sắc uống nước xa bữa ăn. Công hiệu: Tư âm sinh tân dịch, bảo vệ phế, thanh kim (phế kim). Chủ trị âm hư lao tổn, tướng hỏa bốc lên mạnh, tân dịch khô, phiền khát, ho, nôn ra máu, đổ máu cam, nhiệt nhiều.

Bài Nguyệt hoa hoàn (Y học Tâm ngộ): Bài thuốc gồm có thiên môn đông, mạch môn đông, sinh địa, thục địa, sơn dược (hoài sơn), bách bộ, sa sâm, xuyên bối mẫu, a giao, mỗi vị 30g, phục linh, thát can (gan con rái cá), tam thất, mỗi vị 15g. Cách sử dụng: Bạch cúc hoa, sương tam diệp (lá dâu về mùa đông có sương), mỗi vị 60g, nấu đặc thành cao, đun a giao cho chảy ra rồi cho vào trong cao này. Tiếp đó hòa với thuốc bột nói trên, luyện với mật ong làm viên to như viên đạn (bằng quả nhãn có trọng lượng 10g). Mỗi lần dùng 1 viên, ngậm cho tan ra, ngày dùng 3 lần.

Công hiệu: Tư âm ích khí, nhuận phế chỉ khái (khỏi ho). Chủ trị: Phế âm hư tổn, đàm hỏa nội sinh khiến cho ho lâu không khỏi, ngực đau, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, trong đờm vấy máu, mệt mỏi vô lực, ăn uống giảm sút, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác vô lực.

Những bài thuốc trên thuộc về tư phổ phế thận âm hư, còn nhiều. Nhưng chỉ mấy bài trên cũng là tư liệu y học cổ truyền rất quý của người xưa để lại, chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu và vận dụng, gia giảm theo thực tế lâm sàng.

TTND.Lương y Giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top