Bài thuốc chống dịch Covid-19 của Trung Quốc

(khoahocdoisong.vn) - Bài thuốc “Công thức 4” của Y học cổ truyền Trung Quốc là sự phối hợp rất độc đáo để vừa tăng sức đề kháng, vừa điều chỉnh các triệu chứng, được sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi do Covid -19.

Ngày 13/2, Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh viêm phổi do virus mới của tỉnh Hồ Bắc đã ban hành thông báo về việc tăng cường phòng ngừa và kiểm soát tổng hợp bệnh viêm phổi do Covid-19 dựa vào y học cổ truyền Trung Quốc. Theo đó, đơn thuốc Đông y có tên "Công thức 4" được phát triển bởi các chuyên gia của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc được công bố chính thức và áp dụng cho điều trị cho cả 3 trường hợp gồm đang nghi nhiễm, những người được chẩn đoán lâm sàng và những người đã xác nhận nhiễm Covid-19 đang điều trị.

Liệu pháp điều trị của đơn thuốc này là "Hòa giải thiếu dương, hóa thấp giải độc". Đơn thuốc cơ bản  gồm: Sài hồ 20g, hoàng cầm 10g, pháp bán hạ 10g, đảng sâm 15g, toàn qua lâu 10g, binh lang (cau) 10g, thảo quả 15g, hậu phác 15g, tri mẫu 10g, thược dược 10g, cam thảo tươi 10g, trần bì 10g, hổ trượng 10g. Ngày 1 thang, đun thành nước uống 3 lần/ngày vào sáng, trưa, tối, trước khi ăn.  

Đặc điểm của dịch bệnh Covid-19 là: Đau nhức đầu, khó chịu; sốt cao (trên 38OC); ho hoặc đau họng; chảy nước mũi; khó thở; đau mỏi cơ. 

Sốt cao: Dùng Sài hồ, hoàng cầm để trị chứng lúc nóng lúc lạnh mà theo Đông y là hòa giải Thiếu dương. Hoàng cầm còn có tác dụng thanh nhiệt ở họng và phế, dùng để trị ho, chảy nước mũi, viêm họng.

Viêm phổi: Khi bị viêm phổi, chất dịch ở phổi không tan đi được biến thành đàm gây khó thở, vì vậy dùng bán hạ, trần bì, hậu phác, thảo quả, toàn qua lâu có tác dụng hạ khí, tan đàm, chống khó thở, tức ngực.

Tăng sức đề kháng: Dùng binh lang, hổ trượng, bạch thược, tri mẫu để góp phần ngăn chặn vi khuẩn và virus thừa lúc cơ thể suy yếu xâm nhập vào (chứ chưa thể nói là có tác dụng đối với virus corona).

Đảng sâm có tác dụng tăng sức, chống mệt mỏităng sự thích nghi của cơ thể trong môi trường nhiệt độ cao.

Cam thảo sống để giải độc và điều hòa các vị thuốc, chống phản ứng phụ của các vị thuốc có tính hàn để  hạ nhiệt trong toa thuốc. Cam thảo phối hợp với bạch thược có tác dụng hòa hoãn, thư cân (làm mềm gân cơ) chống đau nhức các bắp thịt do sốt gây nên.

Việt Nam có thể không sẵn nhiều đảng sâm, có thể thay bằng đinh lăng, được chứng nghiệm là không thua gì nhân sâm.

Điểm độc đáo của các bài thuốc Đông y là không phải chỉ dùng độc vị mà là một sự phối hợp rất độc đáo để vừa tăng sức cho cơ thể, vừa điều chỉnh các triệu chứng giúp bệnh nhân có sức để chống trả lại các yếu tố gây bệnh do virus gây ra, vừa tạo được niềm tin tốt cho bệnh nhân vì thấy các triệu chứng của cơ thể giảm đi, từ đó giúp họ thêm hy vọng để phục hồi.

Như các chuyên gia y tế khuyến cáo là chưa có thuốc đặc hiệu, nên có thể dùng bài thuốc này để hỗ trợ điều trị. 

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
back to top