Bài Tết: Những bác sĩ “mũ nồi xanh” và lá cờ đỏ sao vàng trên đất Bentiu

(khoahocdoisong.vn) - Được đánh giá là bệnh viện dã chiến cấp 2 chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, các bác sĩ, chiến sĩ Việt Nam không chỉ mang đến sự tận tâm trong nghề nghiệp mà còn cả tình cảm, sự nhiệt tình của những người lính cụ Hồ.
Các bác sĩ Việt Nam và trẻ em tại Bentiu

Các bác sĩ Việt Nam và trẻ em tại Bentiu

Vườn cây xanh của người lính Việt Nam

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 cho biết, những ngày đầu tiếp quản, khu vực đóng quân của bệnh viện là vùng đất hoang sơ, xung quanh sỏi đá khô cằn, chủ yếu là cây cỏ dại. Nhiệt độ ngoài trời ở Bentiu ban ngày lên đến 40oC, có ngày 45 – 50oC. Vì thế, song song với việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo chuyên môn, tất cả các chiến sĩ bệnh viện đều bắt tay vào cải tạo cảnh quan môi trường mà việc đầu tiên là phải trồng cây xanh.

Mang những hạt giống rau từ nhà, các cán bộ, chiến sĩ của bệnh viện cần mẫn gieo trồng, vun xới. Chỉ sau 3 tháng, từ màu vàng đá sỏi, khu vực đóng quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã được  thay thế bằng một màu xanh mướt mắt của những giàn mướp, bầu bí sai quả, những luống rau muống, mồng tơi, rau cải và cả những vạt hoa đủ màu sắc.

Cây đu đủ và luống hoa của đại úy Ngân (người bên trái)

Cây đu đủ  và luống hoa của đại úy Ngân (người bên trái)

Đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân (khoa Nội) hào hứng khoe hình cây đu đủ sai trĩu quả và vườn hoa cúc, hướng dương đủ màu sắc của chị trồng tại Nam Sudan. Chị kể: “Anh chị em trong đơn vị cũng đã xác định trước là điều kiện sống tại Bentiu rất khắc nghiệt nên chúng tôi đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng cũng không lường trước được nhiều khó khăn đến vậy. Đất đai cằn cỗi, nắng nóng, nước dùng cũng không đủ. Chúng tôi sử dụng nước giếng khoan theo định mức nhưng vào mùa khô, giếng không đủ nước, phải chuyển nước từ rất xa về. Vì thế, anh chị em tận dụng từng chút nước tắm giặt, rửa rau để tưới cây”. Cây cối cũng không phụ lòng những người lính, các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến chỉ phải ăn bắp cải, rau đông lạnh do Liên Hợp quốc cung cấp trong tháng đầu tiên, từ tháng thứ 2 đã có rau Việt Nam để ăn.

Trung tá Bùi Đức Thành vui vẻ kể: “Vườn rau xanh của Bệnh viện dã chiến cũng thu hút sự tò mò của những đơn vị bạn đóng quân cùng Phái bộ. Họ chưa từng được ăn mướp, ăn bí của Việt Nam nhưng sau những buổi giao lưu, những loại rau này lại trở thành “đặc sản”. Đặc biệt, chỉ huy đại đội công binh Anh trước khi hoàn thành nhiệm vụ về nước còn xin một quả mướp khô để đem về gieo trồng ở vườn nhà”.

Khi những vườn rau, thảm hoa và cây xanh đã phủ xanh đất trống nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đóng quân thì đơn vị đã trở thành mô hình chuẩn để nhiều đơn vị bạn học tập. Thông qua các hoạt động tăng gia sản xuất thường xuyên mà trong nhiệm kỳ công tác của mình, Bệnh viện đã tự bảo đảm cung cấp được hơn 6 tấn rau xanh cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày và đặc biệt hơn thế nữa là để làm được nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam để chiêu đãi đồng nghiệp và bạn bè cũng như khách quốc tế đến thăm đơn vị.

Trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Anh

Trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Anh

Hình ảnh Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng đã trở nên thân thuộc

Do kỷ luật nghiêm ngặt của Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, các bác sĩ Việt Nam ít khi được đi ra ngoài khu căn cứ. Nhưng trong những lần được tiếp xúc với người dân tại khu bảo vệ thường dân (POC), các bác sĩ “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã chiếm trọn tình cảm của họ.

Trung tá Bùi Đức Thành chia sẻ: “Mỗi khi được tiếp xúc với các em nhỏ, chúng tôi đều mang cho các em một chút quà Việt Nam, đó là những hộp chì màu, những bức tranh Bác Hồ, cờ Việt Nam và hướng dẫn các em tô màu. Vì thế, chỉ một thời gian ngắn sau đó, hầu như các em nhỏ tại đây đều rất quen thuộc với hình ảnh Bác Hồ và lá cờ đỏ sao vàng. Mỗi khi gặp chúng tôi, chỉ cần nhìn thấy lá cờ gắn trên quân phục là chúng tôi lại nhận được câu chào: “Việt Nam very good”.

Đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân là bác sĩ nữ duy nhất thường xuyên nhận nhiệm vụ đi khám cho quan chức của Bentiu bên ngoài căn cứ sau giờ làm việc. Cô đại úy trẻ tâm sự: “Mặc dù ở nhà đã tập luyện chiến đấu nhiều, súng đạn không phải xa lạ gì nhưng lần đầu tiên bước chân ra khỏi căn cứ, tại một đất nước còn nhiều loạn lạc, chiến tranh, nhìn thấy súng đạn chất đầy bên ngoài nhà của Thống đốc bang Bentiu, tôi vẫn thấy có chút sợ hãi. Tuy nhiên, sự thân thiện, niềm nở của Thống đốc đã phá tan đi sự e ngại ban đầu đó”.

Mười bóng hồng Việt Nam trên đất Bentiu

Mười bóng hồng Việt Nam trên đất Bentiu

Vị thống đốc và chị còn có “duyên” khi chính chị cũng là người tiếp nhận vợ của ông không may bị sốt rét kèm thương hàn khi mang thai tuần thứ 35, nguy cơ dọa sảy thai rất cao. Nhờ sự thăm khám và cho thuốc kịp thời, bà đã được chuyển viện lên tuyến trên và sinh nở an toàn.

Còn với đại úy Phạm Thị Thu Trang (khoa Ngoại), ấn tượng nhất với chị đó là ca đại phẫu cắt phần ruột bị hoại tử của một nhân viên Liên Hợp Quốc ngay tại bệnh viện dã chiến, nơi mà mọi điều kiện về trang thiết bị, an toàn, vô trùng đều thiếu thốn. Nhưng với ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ bác sĩ, ca mổ đã thành công trọn vẹn.

Sau hơn 12 tháng chính thức tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương quốc Anh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã thu dung và điều trị cho tổng số 2.022 lượt bệnh nhân, trong đó phẫu thuật 62 ca gồm 21 ca trung, đại phẫu và 41 ca tiểu phẫu, vận chuyển thành công bằng đường không lên bệnh viện tuyến trên 7 trường hợp. Hằng tháng Bệnh viện đều đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân qua phiếu tín nhiệm, kết quả mức độ hài lòng đạt tỉ lệ cao, trung bình 94%-100% hằng tháng.

Chỉ huy y tế Phái bộ, Chỉ huy trưởng căn cứ Bentiu và các đơn vị tại địa bàn đánh giá cao về trình độ chuyên môn, chất lượng điều trị, thái độ tiếp xúc của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1… Trong buổi trao huy chương vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ngài tư lệnh đã phát biểu: “Mặc dù Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam lần đầu tiên triển khai  thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động Liên Hợp Quốc nhưng đây là Bệnh viện dã chiến cấp 2 chuyên nghiệp nhất tại Phái bộ cho tới nay”.

Rời khỏi mảnh đất Bentiu khô cằn đầy nắng gió nhưng cũng đong đầy kỷ niệm, những người chiến sĩ, bác sĩ “mũ nồi xanh” như đại úy Trang, đại úy Ngân… đều có chung một suy nghĩ: Nếu được phân công và lựa chọn, các chị vẫn sẽ quay trở lại nơi này.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top