Bài tập xếp “thạch nhĩ” trị chóng mặt do rối loạn tiền đình

Cảm giác chóng mặt xảy đến rất đột ngột với cường độ mạnh dễ gây cho bệnh nhân cảm giác hoang mang sợ hãi như thể lo sợ tình huống tai biến mạch máu não sắp xảy ra.

Để chữa, ngoài việc xoá sự tăng hoạt lực của tiền đình cần sắp xếp lại một số hột li ti gọi là “Thạch nhĩ” gây mất thăng bằng.

Ảnh minh họa.

Nhận biết bệnh lý và biểu hiện của chứng hoa mắt, chóng mặt

Lương y Hoàng Duy Tân,Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, chóng mặt là một trạng thái ảo giác về vận động cơ thể hoặc môi trường xung quanh và là biểu hiện chính yếu của tình trạng rối loạn thăng bằng. Cảm giác chóng mặt xảy đến rất đột ngột với cường độ mạnh dễ gây cho bệnh nhân cảm giác hoang mang sợ hãi như thể lo sợ tình huống tai biến mạch máu não sắp xảy ra. Bệnh rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới nhưng thường gặp ở tuổi trung niên.

Có 2 loại chóng mặt: Một loại thấy mọi vật như xoay tròn; Một loại thấy mọi thứ bồng bềnh như đang ngồi trên thuyền đi trên sóng. Hai loại này đều do rối loạn cảm giác thăng bằng gây nên. Nguyên nhân chính gây nên chóng mặt là do bệnh tai trong (hội chứng Méniere). Các bệnh chính như viêm tai trong hoặc huyết áp thấp, huyết áp cao.

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nên triệu chứng hoa mắt chóng mặt (HMCM) là tim mạch và thần kinh như: loạn nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim chậm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, suy tim nặng… Thiếu máu do kiêng khem quá mức để giảm cân cũng bị HMCM. Chứng bệnh này dễ chữa, chỉ cần ăn uống đầy đủ là hết.  Nhóm thần kinh có các bệnh: rối loạn tuần hoàn não, động kinh, u não… (bệnh không tổn thương hệ thống tiền đình); viêm tai giữa cấp, viêm tai xương chủm mãn tính, u dây thần kinh số 8, xuất huyết não… (bệnh do tổn thương hệ thống tiền đình).

HMCM thường xảy ra khi thay đổi tư thế: xoay đầu, ngồi dậy, gập cổ… do rối loạn tuần hoàn lỗ tai (chóng mặt kịch phát lành tính). Nếu thấy choáng váng, chao đảo, hãy nghĩ đến bệnh tim mạch hoặc các nguyên nhân khác: nhiễm độc, ngộ độc rượu, thức ăn, thuốc (giảm mỡ máu, aspirine, lợi tiểu, hạ áp, động kinh, an thần…). Còn khi thấy chóng mặt, mọi vật xoay tròn nên đến khám chuyên khoa thần kinh.

Chóng mặt lành tính là nguyên nhân thường gặp nhất trong tiền đình ngoại biên chiếm đến 30% trường hợp. Yếu tố thúc đẩy có thể là do nhiễm trùng hoặc những rối loạn khác của tai trong hay chấn thương đầu trước đó. Bệnh cũng hay xảy ra ở người lớn tuổi do thoái hoá hệ thống tiền đình nhưng trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Đợt chóng mặt điển hình kéo dài vài tuần, rồi tự hết và tái phát lại trong một số trường hợp.

Bài tập trị khỏi chóng mặt (do rối loạn tiền đình)

Mục đích trước hết là xoá sự tăng hoạt lực của tiền đình bằng cách khuyên bệnh nhân nằm nghỉ trên giường một thời gian càng ngắn càng tốt, đầu nghiêng bên lỗ tai không gây chóng mặt, nhắm mắt, trong phòng ít ánh sáng.

Ở tai trong, có một số hột li ti gọi là “Thạch nhĩ” có tác dụng giúp cho con người có cảm giác thăng bằng. Vì một lý do nào đó, các hạt này di động sai chiều, vì vậy, cần sắp xếp chúng lại bằng bài tập sau: Ngồi, nghiêng thật nhanh về một bên, để đầu trên giường hoặc trên mặt bàn, mũi ngó xuống đất. Người bệnh sẽ thấy trời đất quay cuồng, đợi cho qua cơn chóng mặt rồi từ từ ngồi dậy. Thực hiện như vậy về phía bên kia. Mỗi ngày tập như vậy 3 lần, mỗi lần từ 10 – 20 động  tác. Ngay lần đầu, tình thế có thể được cải thiện đến 80%. Khi hết, tập thêm 2-3 ngày tiếp theo. Có thể có phản ứng phụ là hơi muốn buồn nôn.

“HMCM có thể làm ta bị tai nạn, té ngã dẫn đến chấn thương sọ não. Để đề phòng rủi ro, khi bị HMCM, bạn nên ngừng lại mọi chuyện đang làm. Nên chọn chỗ nằm thoáng mát, bằng phẳng (nếu đang lưu thông trên đường thì khóa xe, nằm nghỉ trên lề, yêu cầu người xung quanh giúp đỡ) và hít thở sâu. Sau đó nên đi khám bệnh”.

Nhật Hà (ghi)

Theo Đời sống
back to top