Bãi rác hôi là do con người

Nói về phát ngôn “bãi rác hôi một phần do biến đổi khí hâu”, ông Trịnh Đình Năng, nhà sáng chế lò đốt rác thải y tế độc hại, phường Sông Cầu, TX Bắc Cạn, tỉnh Bắc Cạn bảo: “Trong ngành môi trường mà nói như thế là không đúng, nói bừa, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Rác thải tâp trung không chôn lấp thì nó bốc mùi là đương nhiên. Nắng nóng thì mùi bốc lại càng mạnh. Tôi rất tiếc rằng người ta đang để phí một nguồn tài nguyên lớn là rác thải”.

Nhà sáng chế Trịnh Đình Năng

Rác nào chẳng hôi

Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM, nói về vấn đề xử lý rác thải, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết “Không đợi đến phản ánh từ báo chí, mà ngành tài nguyên môi trường có hệ thống quan trắc kết nối với trung tâm dự báo. Được biết năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa nên sẽ có mùi hôi”. Rác hôi do biến đổi khí hậu, theo ông có phải là lý do thuyết phục?

Tôi cho rằng nói như thế là chưa đúng, nói bừa. Rác bốc mùi hôi bởi vì xử lý không kịp, không tốt, làm không ra gì mới khiến rác bốc mùi. Nói như thế là nói bừa. Rác nào chẳng hôi, nhưng xử lý rác như thế nào lại là chuyện khác. Rác bốc mùi hôi là do sự phân hủy các chất hữu cơ. Nhiệt độ tăng cao, trời nắng nóng thì nó phân hủy nhanh hơn. Nhưng nó phân hủy như vậy là do không hoặc chưa được chôn lấp, xử lý đúng quy trình chứ không phải vì biến đổi khí hậu mà rác có mùi hôi.

Rác không được xử lý ngay nguy hại thế nào?

Ngoài việc bốc mùi hôi thối ra môi trường thì nước rỉ rác ngấm vào đất, hủy hoại nguồn nước ngầm cũng rất nhanh. Do đó, người dân sống xung quanh những bãi rác phải chịu đủ thứ độc hại.

Ông đánh giá thế nào về các công nghệ xử lý rác hiện nay?

Ý tưởng của chúng ta khá tốt là hình thành các bãi rác tập trung nhưng cách làm ở nhiều nơi bị lợi ích nhóm chi phối.

Ông có thể ví dụ?

Xử lý rác gồm cả khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Ông môi trường thu tiền của người dân để thu gom rác, rồi vận chuyển đến ông xử lý. Ông xử lý thì đào cái hố, đổ rác xuống rồi lấp đất lên là xong việc. Việc xử lý như thế nó không hiệu quả. Các cá nhân có công nghệ muốn “xen” vào quy trình ấy rất khó. Rồi còn có hiện tượng khai khống rác chôn lấ để lấy tiền chia nhau.  Một bãi rác được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng tiền hỗ trợ nhưng không phát huy hiệu quả là mấy.

Cái khó là ở đâu?

Là do người ta không chọn đúng công nghệ. Nhiều khi công nghệ tốt, rẻ, sẵn sàng trong nước lại không được lựa chọn. Người ta thích nhập khẩu, thích hàng ngoại hơn. Vì có mua đồ đắt tiền, chi phí vận chuyển cao thì mới dễ “chia chác”. Mọi thủ đoạn là do tư duy mà ra. Người chân chính thì tư duy chân chính, lao động chân chính.

Trong việc xử lý rác ở Việt Nam, hiện có gì bất cập?

Chúng ta xử lý không tập trung, không có sự phân loại rác hoặc có khi người dân phân loại xong thì đơn vị thu gom lại cho cả vào một chỗ. Không có công nghệ bền vững, không tận dụng được tài nguyên rác. Rồi y s thức của người dân chưa cao. Cái khó nhất là con người và công nghệ chưa tương xứng.

Chọn công nghệ của mình, họ chẳng được gì!!!

Ông vừa nói rác là tài nguyên bị bỏ quên, vì sao thế?

Rác là một nguồn tài sản khổng lồ đang bị vứt đi. Đáng lẽ có thể tận dụng nó để phục vụ cho cuộc sống thì người ta lại coi nó là thứ vô ích. Ví dụ như người ta có thể phân loại rồi nghiền nhỏ, cho vào ủ trong các bể biogas. Khí biogas từ đó có thể chạy máy phát điện để tạo ra điện. Hay cho rác thải rắn vào lò hơi, nghiền nhỏ, ép rồi lò hóa khí tạo ra khí CH4 rồi sinh ra H2S, xử lý khí sunfua xong qua bộ tăng áp có thể chuyển sang máy phát điện.

Công nghệ này có sẵn ở trong nước không thưa ông?

Các nhà khoa học luôn sẵn sàng chứ. Biến rác thành điện là công nghệ có sẵn trong nước rồi. Tôi đã từng gặp ông Nguyễn Gia Long (Hà Nam), người sáng chế ra máy đốt rác thành điện. Tôi thấy công nghệ rất hữu ích, có thể ứng dụng rộng rãi. Nhưng cũng trải qua rất nhiều thời gian nó vẫn chưa thể nhân rộng do các quy trình xin phép xét duyệt rất phức tạp, nhiều công đoạn, thậm chí cần đến cả thủ đoạn.

Có vẻ như ông cũng trải qua những tất bật khi đi xin giấy phép cho sản phẩm lò đốt rác thải y tế của mình?

Tôi mất nhiều năm để làm công việc này nhưng không làm được. Rất nhiều cuộc họp được tổ chức, người ta cũng nói thế này, chỉ đạo thế kia, nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy ưu đãi đâu cả. Nản quá thì tôi cũng bỏ cuộc. Tôi cảm giác như người ta chỉ quan tâm trên giấy tờ, phát biểu ở các hội nghị, hội thảo.

Còn thực tế thì họ chẳng quan tâm đâu. Họ chọn công nghệ của mình thì họ chẳng có lợi gì. Mình “phải có cái gì” thì mới được phê duyệt. Mà mình thì chẳng có gì. Nên tôi chẳng bao giờ làm gì liên quan đến ngân sách Nhà nước nữa.

Vậy là lò đốt rác của ông đang đắp chiếu?

Đã mấy năm rồi, tôi chán, bỏ cuộc. Tôi xin có 2000 mét vuông đất làm nhà xưởng mà suốt 5 năm nay không được phê duyệt do họ không giải phóng được mặt bằng. Trong khi các quy định thì luôn nói phải ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, sáng chế trong nước.

Xin được cống hiến cũng khó

Không nhân rộng được sản phẩm, sao ông không bán sáng chế để có tiền đầu tư tiếp?

Có nhà đầu tư nước ngoài hỏi mua sáng chế nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ, mình là người Việt Nam, sáng chế của mình phải để phục vụ người dân trong nước. Tại nhiều cuộc họp tôi cũng phát biểu ý kiến. Tại sao nhà khoa học lại không được coi trọng trong vấn đề xử lý rác? Tại sao nhà khoa học làm được mà lại không được lựa chọn? Xin được cống hiến mà dường như không có cơ chế nào để cống hiến.

Ông có tiêu cực quá không?

Tôi không nói tiêu cực mà nói rất thực, dựa trên trải nghiệm suốt bao nhiêu năm qua của mình. Tôi mệt mỏi đến mức phải chuyển sang nghiên cứu cái khác, không làm về máy đốt rác nữa.

Ông có bao giờ đặt câu hỏi ông chưa làm được vì năng lực của mình chưa đạt chứ không phải do yếu tố khách quan?

Tôi là nhà khoa học chân đất, không biết làm gì ngoài nghiên cứu. Tôi cũng đã tìm hiểu khắp nơi rồi. Tôi không làm được vì “cơ chế phong bì”. Để được phê duyệt cái gì cũng cần phải có phong bì. Giờ nhóm lợi ích chi phối rất mạnh. Trong khi tôi làm khoa học là để cống hiến cho cộng đồng chứ không mưu lợi cho bản thân, nên mới không thể trụ nổi.

Ông đánh giá thế nào về trình độ hiểu biết với công nghệ đốt rác của những cán bộ có liên quan?

Với ngành xử lý rác hiện Nhà nước có khá nhiều ưu đãi. Bất cập là nó tồn tại lợi ích nhóm, cục bộ nên chưa thể chọn được một công nghệ bền vững để xử lý. Tôi không đánh giá về trình độ của họ mà tôi chỉ mong muốn người ta lắng nghe những nhà khoa học như tôi. Lựa chọn công nghệ dựa trên hiệu quả của nó chứ không dựa trên việc “mình được gì khi chọn công nghệ đó”. Có như thế thì mới có sự đột phá trong xử lý rác, tận dụng được tài nguyên, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

“Những chiếc lò đốt rác ngày đó không xử lý khói bụi mà vẫn thải ra dioxin và furan, là sản phẩm phụ của phản ứng cháy. Chất thải này rất độc đối với còn người, muốn bảo vệ được môi trường thì phải xử lý chất thải này, phải tạo ra môi trường đốt không hình thành chất đó hoặc không để cho nó có môi trường hình thành. Quy luật của nó là sau 5 giây, với nhiệt độ trên 3000C khi thải ra môi trường, sẽ kết hợp với oxy tạo ra dioxin và furan. Cái độc đó không ai nhìn thấy. Tôi nghiên cứu làm sao để hạ nhiệt cực nhanh, sau 1 giây là hạ nhiệt rồi. Tôi nói không ai tin, nhưng nhìn tôi làm thì mới thấy. Tôi nghĩ ra cơ chế, hạt bụi và hạt khí trong lò muốn đi ra khỏi cửa là phải chạm vào nhau ở kích cỡ nanomet. Khi chạm vào nhau thì chúng hấp thụ, không tạo ra khí độc”.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top