Bãi cọc Cao Quỳ có phải là chiến trận Bạch Đằng?

(khoahocdoisong.vn) - Bằng chứng khoa học nào để chứng minh bãi cọc Cao Quỳ (Hải Phòng) là chứng tích lịch sử để lại của chiến trận Bạch Đằng năm 1288? Trong giới khoa học cũng đã nảy sinh những tranh cãi.

Có liên quan gì đến trận chiến lịch sử?

Ngày 29 - 30/9 tại Hải Phòng đã diễn ra hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020. Tại đây các đại biểu được nghe báo cáo về quá trình khai quật bãi cọc Cao Quỳ do Viện Khảo cổ học phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương thực hiện, phát hiện 40 cọc gỗ. Nhóm nghiên cứu nhận xét sơ bộ bãi cọc Cao Quỳ không phải là cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác. Cọc chủ yếu nằm ở tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập mặn ven sông. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, lớp.

Bước đầu, đơn vị nghiên cứu nhận xét sơ bộ di tích Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân triều Trần. Trận địa này có thể được dùng để chặn giặc, ngăn địch tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng. 

Nhiều  ý kiến khác nhau xung quanh câu hỏi bãi cọc này có từ bao giờ, có liên quan gì đến trận chiến Bạch Đằng lịch sử? Trái ngược với nhận định đây chính là di tích còn lại của trận chiến Bạch Đằng, ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học) lại nêu quan điểm rằng việc nhận định, kết luận sớm về bãi cọc Cao Quỳ là vội vàng. Ông cho rằng khu vực phát hiện là vịnh cổ chứ không phải dòng sông cổ vì xung quanh toàn là núi đồi. Về cấu tạo địa tầng, có lớp than bùn màu đen, không phải là đặc điểm của dòng sông cổ.

Theo ông, cần có các nhà địa chất vào cuộc, khôi phục lại địa lý, cảnh quan và môi trường khu vực này như thế nào để xác định dòng chảy khu vực. Điều đó có thể làm được và cần phải làm sâu hơn nữa để đi đến kết luận cọc này có phải chống giặc ngoại xâm hay không.

Công nghệ xác định niên đại

TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học cho biết các nhà khoa học đã tiến hành xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14 nhưng đây không phải là cơ sở duy nhất để khẳng định về nguồn gốc của cọc gỗ. Bởi khi xác định niên đại bằng phương pháp này lại cho nhiều kết quả khác nhau dựa trên cây to, cây nhỏ.

PGS.TS Phan Trường Thị, Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cho biết phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon có thể không cho kết quả chính xác vì niên đại ở đây là thời gian sinh trưởng của cây gỗ chứ không phải niên đại tính từ lúc cây gỗ được khai thác để đóng cọc. Có nghĩa là phương pháp đồng vị carbon chỉ cho thấy loại gỗ đó bao nhiêu tuổi chứ không phải chiếc cọc đó bao nhiêu tuổi. Có những cây gỗ được trồng hàng trăm năm trước khi khai thác làm cọc gỗ. Vậy thì kết quả niên đại sẽ có sự chênh lệch đến vài chục năm, khó cho kết quả chính xác.

“Hơn nữa, trong sử dụng đồng vị carbon C14 xác định niên đại, loại gỗ có tuổi đời hơn 1 nghìn năm là loại “gỗ non”, sai số khi xác định niên đại càng lớn. Loại gỗ có niên đại hàng triệu năm đến vài chục triệu năm thì xác định niên đại sẽ chính xác hơn. Lý do là sự ổn định của tỉ lệ đồng vị sau khi gỗ đã hóa đá do bị chôn vùi sẽ cao hơn. Đối với những loại gỗ có niên đại hàng trăm triệu năm thì sử dụng chì uran để xác định niên đại thì độ chính xác cũng sẽ cao”, GS.TS Phan Trường Thị cho hay.

Đối với gỗ có niên đại thấp từ vài trăm năm đến vài nghìn năm, theo GS.TS Phan Trường Thị, việc lấy mẫu cũng dễ dẫn đến các kết quả khác nhau. Lấy mẫu ở phần lõi cây hay vỏ cây cũng cho ra niên đại khác nhau. Gỗ bị chôn vùi dưới đất, nếu bị lớp đất sét lấp kín thì quá trình phong hóa sẽ diễn ra chậm, thậm chí là không bị phong hóa (không bị phân hủy) thành bùn đất mà hóa đá. Tuy vậy để có các bằng chứng khoa học về di tích này thì phải làm rõ thêm các yếu tố khác về lịch sử, địa lý, xã hội… Ví dụ như tìm lại bản đồ lịch sử xem đây có phải là vị trí của con sông ngày trước không, mục đích của bãi cọc đó để làm gì nếu không phải cọc làm đê, đập, đánh bắt cá, xây dựng…

Theo Đời sống
back to top