Bạch Xỉ - một con người nghĩa khí

(khoahocdoisong.vn) - Bạch Xỉ - một con người nghĩa khí, thủ lĩnh của phong trào Cần Vương. Để kế tục sự nghiệp của vua Hàm Nghi, ông đã tự xưng là Long Đức Hoàng đế và truyền hịch kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng đứng lên đánh Pháp.

Sinh ra đã biết   

Bạch Xỉ tên thật là Đoàn Đức Mậu, sau đổi là Đoàn Chí Tuân. Ông sinh năm Ất Mão (1855) tại làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và tinh thần yêu nước.

Ông nội của Bạch Xỉ là Đoàn Chí Nguyện- người đã cầm đầu nhân dân Hòa Ninh tham gia phong trào Tây Sơn và thuộc quân Tây Sơn kháng chiến chống quân Thanh. Bố của Bạch Xỉ là Đoàn Chí Thông, tục gọi là cụ Hương Thân. Nhà cụ Hương là nơi tụ họp những người có tinh thần yêu nước ở địa phương và đàm đạo về việc nước mất nhà tan, nhất là việc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng giặc Pháp.

Bạch Xỉ học giỏi, thông minh từ nhỏ. Lên 5 tuổi, cụ Hương Thân đã cho Đoàn Chí Tuân đến học với cụ Tú Nguyễn trong làng. Một thời gian ngắn, cụ Tú đã phải ngạc nhiên về trí thông minh của Tuân. Lên 6 tuổi, cụ thân sinh lại cho Tuân theo học với thầy quan biện họ Trần ở làng Thọ Linh- một người nổi tiếng về học giỏi nhất vùng.

Sau một năm học, thầy quan biện không dám dạy tiếp nữa, thày nghĩ rằng mình không còn đủ chữ để dạy cho một học trò thông minh đáo để như học trò Tuân. Thầy biện nói: Đây là bậc sinh tri (sinh ra là biết liền). Tiếp đó Đoàn Chí Tuân còn theo học với một số thầy danh nho khác. Và khi lên 10 tuổi Đoàn Chí Tuân ở nhà tự học tự đọc sách, không chịu đi học nữa.

Lớn lên sẽ làm giặc

Năm Ất Mão (1867) Đoàn Chí Tuân đã nổi tiếng về văn học và thơ, tiếng tăm của ông đã vang khắp tỉnh thành. Tiếng tăm đã lan đến cả triều đình. Bạch Xỉ đã có khẩu khí nhà vua. Có người ra câu đối: "Hoàn quân dĩ đãi tướng quân" (cho ông về là đãi ngộ ông), Bạch Xỉ đối ngay rằng: Sinh tử tất vi Thái tử (sinh con ra là đẻ hoàng tử ra).

Vua Tự Đức nghe tin bèn sai Tùng Thiện Công đến tận làng Hoa Ninh để xem xét thực hư "phải chăng là những lời đồn ngoa?". Khi về kinh, Tùng Thiện Công tâu lên vua rằng, những lời đồn đại về Đoàn Chí Tuân là đúng. Tự Đức tỏ ý lo ngại và truyền rằng: "Phải để ý đến thằng trẻ con này lớn lên sẽ làm giặc!".

Qua sử sách, qua nghe ngóng, Đoàn Chí Tuân biết nước ta bị phong kiến Trung Quốc đô hộ và biết được các vị anh hùng hào kiệt của đất nước ta đã anh dũng chống lại ách ngoại xâm lập lại chủ quyền cho đất nước, cho dân tộc.

Năm Quý Dậu (1873), giặc Pháp đánh Bắc Kỳ, Tự Đức cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Phong trào "bình Tây sát tả" liên tục nổ ra. Tư tưởng chống Pháp hình thành trong con người Đoàn Chí Tuân. Lúc mới 17 tuổi, ông bắt đầu hành động. Ông đi khắp đó đây, tìm kiếm kết giao với những người cùng chí hướng.

Năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần Vương. Vừa tròn tuổi 30, Bạch Xỉ ra đón xa giá mong phò vua giúp nước, nhưng do quan điểm đối với công giáo, Bạch Xỉ không tán thành chữ "bình Tây sát tả", ông đề nghị Tôn Thất Thuyết bỏ chữ sát tả mà chỉ bình Tây thôi.

Nhưng lời đề nghị của ông không được Tôn Thất Thuyết chấp nhận. Bạch Xỉ rất buồn, ông quay trở về quê khởi xướng tổ chức nghĩa binh, rất nhiều trai tráng trong làng quê ủng hộ đi theo Bạch Xỉ. Chưa đầy hai tháng trai tráng trong vùng đã theo Đoàn Chí Tuân gần 500 người. Trong số đó có 25 người là dân công giáo và 17 người là lính cũ của triều đình.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top