Bạch tuộc có ngủ mơ không?

Những thước phim quay lại được sự đổi màu của bạch tuộc khi ngủ, cho thấy có thể là loài động vật này đang mơ!
Giấc ngủ trưa của bạch tuộc. Theo Nature on PBS .

Trong video mới đây của PBS, họ đã quay lại được giấc ngủ trưa của một chú bạch tuộc đang liên tục đổi màu. Điều này làm cho các nhà khoa học tin rằng có thể loài động vật này đang ngụy trang vào môi trường trong giấc mơ của chúng.

Bạch tuộc là loài động vật có trí thông minh cao. Với tỉ lệ não – cơ thể tương tự như lớp thú, bạch tuộc có khả năng xử lí các hành vi có tính nhận thức cao như giải quyết vấn đề và sử dụng dụng cụ.

Chúng có thể tự vặn nắp, mở hộp và tháo được cả những hộp để đồ có khóa chống trẻ em. Những con vật thông minh này còn từng được trình báo đã tẩu thoát khỏi thủy cung và tự tìm đường quay trở về đại dương hay tháo dỡ hệ thống ống nước trong bể của mình.

Giống với động vật ở lớp Thú, bạch tuộc có quá trình ngủ yên lặng và mơ xen kẽ. Tương tự sự thay đổi về nhịp thở và nhịp tim của con người khi ngủ mơ, màu da của bạch tuộc thay đổi, cơ thể chúng trở nên co giật và các giác mút sẽ thu lại.

Khác với con người, loại ngủ này không kéo dài lâu ở bạch tuộc.
“Nếu chúng đang mơ, giấc mơ sẽ kéo dài đến 1 phút” Sidarta Ribeiro, nhà khoa học thần kinh tại đại học ở Brazil cho biết.

Các nhà khoa học đã ghi lại được những giấc mơ như vậy trong clip ngắn chỉ từ vài giây đến 1 phút.

Trong vòng 40 giây, bạch tuộc đã đổi màu và cấu trúc da rất rõ nét. Mắt chúng khi đó cũng liên tục chuyển động.

Loài động vật không có xương sống này trải qua quá trình ngủ mơ và ngủ yên tĩnh xem kẽ cứ mỗi 30 – 40 phút.

Để khẳng định rằng chúng thực sự đang ngủ, các nhà khoa học đã tiến hành một chuỗi các bài kiểm tra kích thích thị giác và giác mút. Các nghiên cứu sinh đã kiểm tra xem bạch tuộc có phản ứng với loại thức ăn yêu thích của chúng không như một con cua đang bơi, hay phản ứng của chúng với sự rung động tạo ra khi ta gõ ngón tay vào thành bể.

Trong mỗi trường hợp, đều cần phải có tác động mạnh hơn để nhận được phản ứng, so với khi chúng tỉnh táo. Điều này xác nhận rằng những hành vi đã quan sát được ở trên xảy ra khi bạch tuộc ngủ.

Trong những nghiên cứu trong tương lai, các nhà khoa học mong muốn phát hiện được mối liên hệ giữa các giấc mơ của bạch tuộc với khả năng suy nghĩ, học hỏi và trí thông minh phi thường của chúng.

Theo discovery.com
back to top