Các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa – Hô hấp Rối loạn tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu.
Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều được gọi là rối loạn tiêu hóa.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người lớn và trẻ em là rối loạn đại tiện, đau bụng, khó tiêu, do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến loạn khuẩn ở đường ruột.
Đây không phải là một bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh rất có thể sẽ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó điển hình là ung thư đường ruột.
![]() |
Bác sĩ mách cách phòng ngừa bệnh rối loạn tiêu hóa |
Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa đơn để giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh như:
Duy trì một lối sống lành mạnh
Để ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn, thường xuyên gặp gỡ bạn bè và gia đình hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào giúp bạn thư giãn và cân bằng tâm trạng. Tránh thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, và thức ăn nhanh.
Sử dụng chế phẩm sinh học
Có thể sử dụng các loại chế phẩm chứa men vi sinh như sữa chua và thực phẩm lên men để tăng cường hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, cần sử dụng chúng một cách điều độ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần.
Điều chỉnh chế độ ăn
Chế độ ăn lành mạnh và cân đối là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa rối loạn tiêu hóa. Hãy hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chứa chất béo cao, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn và thức uống có ga, đồng thời tăng cường sử dụng rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước.
Ngoài ra, hãy theo dõi cơ thể để xác định các thực phẩm gây kích ứng hoặc gây bất ổn cho hệ tiêu hóa và tránh sử dụng chúng.
Rửa tay thường xuyên
Vệ sinh cá nhân là một yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các bệnh lý tiêu hóa. Hãy luôn giữ tay sạch bằng cách rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đồ ăn. Đồng thời, hãy đảm bảo uống nước sạch và tránh tiếp xúc với các nguồn nước bẩn hoặc thức ăn không an toàn.
Hạn chế tự ý sử dụng thuốc
Việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nếu bạn có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Định kỳ kiểm tra sức khỏe
Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe bằng cách đi khám định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hệ tiêu hóa và có phương án điều trị kịp thời. Hãy thảo luận với bác sĩ để lên kế hoạch kiểm tra sức khỏe phù hợp với bạn.
Luôn lắng nghe cơ thể của bạn
Hãy luôn lắng nghe cơ thể để có thể phát hiện sớm bất kỳ triệu chứng rối loạn tiêu hóa nào. Nếu bạn gặp vấn đề tiêu hóa kéo dài, đau bụng dữ dội, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp hoặc sưng bụng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.