Bác sĩ chỉ rõ những dưỡng chất thường thiếu ở người già

Thiếu dưỡng chất dẫn đến suy dinh dưỡng và gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, cần phải bổ sung cho đúng.

Theo Tiến sĩ Katherine, chủ tịch Khoa Khoa học sức khoẻ tại Đại học Northeastern ở Boston, khi chúng ta già đi, việc cơ thể hấp thu một số chất dinh dưỡng quan trọng trở nên kém hơn. Ngoài việc giảm cảm giác thèm ăn, một số loại thực phẩm khó nhai hoặc khó tiêu hoá hơn cũng là nguyên nhân góp phần làm cơ thể thiếu dinh dưỡng.

Khi cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng từ thực thực phẩm ăn hàng ngày để hoạt động bình thường dẫn đến suy dinh dưỡng. Những chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm: chất béo, carbohydrate, protein, vitamin và khoáng chất. Những chất này cung cấp cho cơ thể năng lượng và giúp tăng cường cơ bắp. Chúng giúp cơ thể phát triển và sửa chữa các mô. Chúng cũng điều chỉnh các chức năng của cơ thể như hơi thở và nhịp đập của trái tim.

Suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm:

• Giảm cân ngoài ý muốn;

• Mệt mỏi và uể oải (luôn cảm thấy thiếu năng lượng);

• Yếu cơ hoặc mất sức. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ té ngã, có thể gây gãy xương hoặc tổn thương các bộ phận khác trên cơ thể;

• Phiền muộn hoặc lo âu tăng cao;

• Các vấn đề với trí nhớ;

• Hệ thống miễn dịch kém khiến cơ thể bạn khó chống lại tình trạng nhiễm trùng;

• Thiếu máu.

Các dưỡng chất thường thiếu ở người lớn tuổi

Các dưỡng chất thường thiếu ở người lớn tuổi

Vì vậy, để khỏe mạnh, người cao tuổi nên bổ sung các dưỡng chất sau:

Vitamin B12: Vai trò: Cần thiết cho việc sinh hồng cầu (tế bào máu), đồng thời duy trì chức năng thần kinh khoẻ mạnh. Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to. Nguồn thực phẩm chứa vitamin B12: Cá, thịt gia cầm, trứng, sữa.

Folate/Axit Folic: Vai trò: Tạo tế bào máu; đối với quá trình phát triển của thai nhi, axit folic giúp phát triển ống thần kinh; cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi; cải thiện triệu chứng ở một số người bệnh trầm cảm, giảm nguy cơ đột quỵ;… Nguồn thực phẩm chứa Folate: Trái cây, rau quả, ngũ cốc, thực phẩm chức năng.

Canxi: Vai trò: Canxi đóng nhiều vai trò trong cơ thể, đặc biệt là duy trì sự chắc khoẻ xương. Thiếu Canxi đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ gãy xương.

Nguồn thực phẩm chứa Canxi: Các nguồn Canxi tốt trong chế độ ăn uống bao gồm cải Kale, súp lơ, các loại nước ép được bổ sung Canxi. Sữa ít béo là nguồn cung cấp Canxi và protein lý tưởng cho sức khoẻ xương. Sinh tố làm từ sữa chua, trái cây, cải Kale là một lựa chọn tốt cho những người chán ăn, khô miệng.

Vitamin D: Vai trò: Giúp cơ thể hấp thụ Canxi, duy trì mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển một số bệnh mạn tính như ung thư, viêm khớp dạng thấp,…

Nguồn thực phẩm chứa vitamin D: Ngũ cốc, sữa, sữa chua, nước trái cây, cá hồi,…

Kali: Vai trò: Kali rất quan trọng với chức năng tế bào, đồng thời giúp giữ cho xương chắc khoẻ, giảm nguy cơ sỏi thận.

Nguồn thực phẩm chứa Kali: Trái cây, rau quả là nguồn thực phẩm giàu Kali nhất. Chuối, khoai tây có vỏ đặc biệt rất giàu Kali.

Magie: Vai trò: Giúp hệ thống miễn dịch, tim khoẻ mạnh và xương chắc khoẻ. Sự hấp thụ Magie giảm dần theo tuổi tác. Một số loại thuốc, bao gồm thuốc lợi tiểu có thể làm giảm Magie.

Nguồn thực phẩm chứa Magie: Trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt,…

Chất xơ: Vai trò: Thúc đẩy quá trình tiêu hoá khoẻ mạnh, chống lại bệnh tim.

Nguồn thực phẩm chứa chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây và rau quả.

Omega – 3: Vai trò: Giảm nguy cơ mắc Alzheimer, giúp cho bộ não minh mẫn hơn, làm chậm quá trình thoái hoá điểm vàng (bệnh về thị lực ở người cao tuổi), giảm triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp,…

Nguồn thực phẩm chứa Omega – 3: Cá hồi, cá ngừ, cá thu, đậu nành, quả óc chó, hạt lanh, dầu hạt cải,…

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y Dược)

Theo Đời sống
back to top