Bác sĩ bị mạo danh để bán thuốc

(khoahocdoisong.vn) - Liên tục trên mạng xã hội hay một số website, tên tuổi của không ít giáo sư, bác sĩ đầu ngành, thậm chí cả thương hiệu bệnh viện lớn đã bị một số cơ sở, cá nhân giả mạo với mục đích quảng cáo bán thuốc, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, chữa bệnh…
BS Trương Hữu Khanh bị mạo danh để bán thuốc

BS Trương Hữu Khanh bị mạo danh để bán thuốc

Bác sĩ bị mạo danh tràn lan

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã lên tiếng về việc hình ảnh và tên tuổi của mình bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể,  trang Facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mỹ viện có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, cơ sở này đã mời GS.TS Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Trong khi thực tế, GS.TS Trần Thiết Sơn không hợp tác với thẩm mỹ viện nào như vậy. Không chỉ Facebook mà có những website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của ông để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa…

BS Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội) bức xúc cho biết: "Họ ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của tôi để quảng cáo, có lúc họ khoác cho tôi danh hiệu bác sĩ Đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc... Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của bệnh viện. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”…

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng bức xúc: “Hình ảnh của tôi lúc thì được người ta sử dụng để bán thuốc đau lưng, khi thì thuốc nam khoa, thuốc tăng trưởng chiều cao. Ngay cả Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” mà tôi lập ra để tư vấn cho phụ huynh cũng được nhân bản rất nhiều”. Theo BS Trương Hữu Khanh, việc mạo danh khiến nhiều phụ huynh, người bệnh sử dụng nhầm những sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc, gây hậu quả rất khó lường.

Mạo danh Bệnh viện Bưu điện

Mạo danh Bệnh viện Bưu điện

Xử lý rất khó, vẫn chủ yếu là cảnh báo

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ban hành Văn bản số 2514/SYT – VP gửi các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thông báo các hành vi mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở Y tế đã nhận được một số phản ánh của đơn vị và người dân trong tỉnh về tình trạng mạo danh, giả danh y, bác sĩ, các tổ chức của ngành y tế để quyên góp, kêu gọi, ủng hộ, bán sách chuyên ngành về y tế, phòng, chống bệnh ung thư, đồng thời, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép.

Sở Y tế Đắk Lắk cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến các tổ chức, người dân nhằm cảnh giác các hành vi trên. Các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn tỉnh khi phát hiện các đối tượng, tổ chức mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo thì kịp thời thông tin cho ngành y tế và các ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, quy định của Bộ Y tế nêu rõ các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng chữa bệnh bán thuốc hiện đang là một thực trạng nhức nhối. Hiện Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT tăng cường kiểm tra xử lý trong lĩnh vực này. Nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc…

Theo Đời sống
back to top