Bắc Giang: Dự án BT “ngốn” 1.000 tỷ đồng, nhưng không đáp ứng mục tiêu

(khoahocdoisong.vn) - Dù dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu (tỉnh Bắc Giang) được đầu tư theo hợp đồng BT với vốn hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng không đạt mục tiêu kết nối các khu đô thị của thành phố Bắc Giang.

Do vậy, ngoài kiến nghị xử lý sai phạm, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị tỉnh Bắc Giang phải đầu tư thêm tuyến đường mới để nâng cao hiệu quả khai thác dự án BT này.

Dự án 1.000 tỷ đồng không phù hợp quy hoạch

Thanh tra Chính phủ vừa kết luận hàng loạt sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại tỉnh Bắc Giang.

Thông báo Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ không nêu cụ thể, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được tỉnh Bắc Giang chỉ định Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh (Công ty Tân Thịnh) là nhà đầu tư thực hiện.

Dự án gồm cầu Đồng Sơn dài 0,35km và 10,6km đường dẫn kết nối Quốc lộ 31 và Quốc lộ 17, tạo thành tuyến đường vành đai Đông Nam thành phố Bắc Giang, tổng vốn đầu tư là 1.163 tỷ đồng.

Tỉnh Bắc Giang thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất thuộc phân khu số 6, số 7, Khu đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang, có tổng diện tích 46ha. Trong đó, Công ty Tân Thịnh được kinh doanh trên phần diện tích 14,25ha đất để thu hồi vốn, phần còn lại 31,75ha là đất giao thông, đất hỗn hợp, đất công cộng… Nhà nước sẽ tiếp nhận và quản lý sau khi nhà đầu tư hoàn thành việc xây dựng.

Theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm phê duyệt, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BT này không phù hợp với quy hoạch chung và chưa đáp ứng được mục tiêu đầu tư kết nối các khu đô thị thành phố Bắc Giang, mặc dù làm cầu và đường dẫn nhưng lại không phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 7/2018 cũng nội dung này tỉnh Bắc Giang đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng: “... Dự án cầu Đồng Sơn và đường lên cầu phù hợp với Quy hoạch giao thông vận tải của thành phố Bắc Giang và của tỉnh...”.

Thậm chí do dự án BT không đạt hiệu quả mục tiêu, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Bắc Giang giao thực hiện đầu tư thêm dự án xây dựng đường nối từ QL17 đến QL37 qua khu công nghiệp Vân Trung để nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng mục tiêu đầu tư dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu.

Bên cạnh đó, trong tổng mức đầu tư dự án lại xác định có thêm chi phí lãi vay và chi phí dự phòng trượt giá không đúng quy định, làm tăng giá trị tổng mức đầu tư, phải giảm trừ 17,641 tỷ đồng.

Công trình xây dựng cầu Đông Sơn (Ảnh: Internet).

Công trình xây dựng cầu Đông Sơn (Ảnh: Internet).

“Nhập nhèm” chỉ định nhà đầu tư

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang thì cách mà Công ty Tân Thịnh chỉ định thực hiện dự án cũng khá trơn tru. Quá trình sơ tuyển có 02 nhà đầu tư mua hồ sơ, nhưng chỉ có Công ty Tân Thịnh nộp hồ sơ dự sơ tuyển và được đánh giá đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, tháng 11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt, ký quyết định chỉ định Công ty Tân Thịnh là nhà đầu tư trúng thầu dự án BT.

Sau đó UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận đầu tư dự án với nhà đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cuối cùng UBND tỉnh Bắc Giang cùng Công ty Tân Thịnh đã ký kết hợp đồng dự án. Hợp đồng đã ký kết với thời gian thực hiện dự án là 02 năm, công trình dự kiến hoàn thành và chuyển cho nhà nước quản lý vào tháng 12/2018.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ lại cho rằng trong công tác lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều vấn đề vi phạm quy định.

Cụ thể, hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư còn thiếu nhiều tiêu chí như: chưa yêu cầu năng lực tài chính về nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án khác tạo nguồn thu để thực hiện dự án BT, vi phạm Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

Công tác đánh giá hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, còn bỏ qua một số yêu cầu của Hồ sơ mời sơ tuyển, Hồ sơ mời thầu; chưa làm rõ mức độ đáp ứng về năng lực của nhà đầu tư theo yêu cầu của Hồ sơ mời sơ tuyển, Hồ sơ mời thầu.

Với dự án Khu số 6, 7 thuộc Khu đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang, đây là dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Nhà đầu tư ứng trước để xây dựng cơ sở hạ tầng và được trừ vào tiền sử dụng đất khi Nhà đầu tư được giao đất để thanh toán dự án BT. Nhưng chính việc giao Công ty Tân Thịnh làm chủ đầu tư không qua đấu thầu là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trong khi UBND tỉnh Bắc Giang chưa giao đất của dự án đối ứng thì Công ty Tân Thịnh đã thực hiện đầu tư dự án đối ứng. Công ty còn trực tiếp thực hiện dự án nhưng không quản lý và hạch toán độc lập nguồn vốn đầu tư và các hoạt động dự án.

Về chất lượng công trình BT, một số hạng mục thực hiện không đúng hồ sơ kỹ thuật của dự án, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng khai thác sau này như: sử dụng phôi đá săm loại 2 làm vật liệu dạng hạt đắp mang cống, mố cầu; không thí nghiệm hằn lún vết bánh xe khi thực hiện thiết kế thành phần bên tông nhựa theo quy định; khối lượng vật liệu đổ thải thực tế chưa được kiểm soát đầy đủ; công tác quản lý cao độ, mốc giới thực hiện chưa tốt, các vị trí kiểm tra xác suất cao độ hoàn thiện vượt sai số cho phép.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm trong thực hiện đầu tư xây dựng dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu, dự án Khu số 6,7 Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang.

Theo tài liệu phóng viên KH&ĐS thu thập được, Hợp đồng dự án BT này có quy định cụ thể, nhà đầu tư bố trí 175 tỷ đồng (15% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn chủ sở hữu và phần còn lại là 989 tỷ đồng (85% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn huy động.

Tuy nhiên, thực tế để triển khai dự án Công ty Tân Thịnh đã vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang theo hai đợt, mỗi đợt 25 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay là 8%/năm.

Quỹ tài chính này trực thuộc tỉnh Bắc Giang và có những quy định chặt chẽ về hạn mức cho vay. Nhưng bằng một số cách, Quỹ đã nâng được tổng số tiền cho Tân Thịnh vay lên 50 tỷ đồng mà không vượt hạn mức.

Vấn đề này, KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin trong kỳ báo sau.

Theo Đời sống
back to top