Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn là một trong những điểm sáng thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Điểm đến của những dự án bền vững, công nghệ cao

Đầu tháng 5/2022, các nhà đầu tư gồm Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PTT Thái Lan và Công ty CUIYC Singapore đã khảo sát địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Ông Jeong Soo Nam, cố vấn cao cấp Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas cho biết, tập đoàn dự kiến đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu với quỹ tài chính khoảng 2 tỷ USD. Các hạng mục đầu tư gồm: Xây dựng hạ tầng kho lạnh bảo quản dược phẩm, nông thủy sản; khu logistics đóng gói; khu chế biến chuyên sâu nông thủy sản... bằng công nghệ LNG phát điện, cấp lạnh và công nghệ IoT, blockchain truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chế biến thủy sản nổi trên biển.

khu-cong-nghiep-dat-do-1-2.jpg
Hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh tại KCN Đất Đỏ 1, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, đầu tháng 4/2022, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cũng đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Adani là tập đoàn uy tín với năng lực hàng đầu tại Ấn Độ về năng lượng, cảng biển, logistics, hạ tầng và bất động sản. Tập đoàn hiện đang đầu tư và kiểm soát cảng Mundra lớn nhất Ấn Độ tại bang Gujarat với công suất hơn 200 triệu tấn hàng hóa/năm.

Ông Capt Sandeep Mehta, Chủ tịch Tập đoàn Adani cho biết, tại Việt Nam, Tập đoàn Adani đã đầu tư 2 dự án năng lượng tái tạo gồm: Dự án điện gió với công suất 27,3MW và dự án điện mặt trời công suất 50MW tại tỉnh Ninh Thuận. Riêng đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, tập đoàn mong muốn có cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng, KCN với tổng vốn đầu tư cho mỗi dự án có thể lên tới 2 tỷ USD.

Ngoài 2 tập đoàn trên, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 10 nhà đầu tư FDI đến khảo sát, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Hầu hết các dự án đều có mức đầu tư lớn từ 1 - 2 tỷ USD.

Đặc biệt, vào cuối tháng 9/2021, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Quantum (Mỹ) mong muốn được đầu tư 20 - 30 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn trọng điểm mà Tập đoàn mong muốn đầu tư nhiều dự án gồm: Nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD), các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như cảng Long Sơn, tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… Theo các chuyên gia, dự báo dòng vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ khởi sắc. Những dự án lớn này có thể đưa tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh vươn lên thứ 2 cả nước.

Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 9 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 155 triệu USD, cao gấp 2,83 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 98 triệu USD, chiếm tỷ lệ 63% tổng số vốn đầu tư. Lũy kế đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 425 dự án FDI.

Ngoài ra, tại các KCN trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều dự án tăng vốn đầu tư, hoặc đầu tư mở rộng với hơn 1.570 tỷ đồng và 54,59 triệu USD. Hiện nay, các KCN của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 515 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 263 dự án FDI.

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiệu quả thu hút đầu tư vừa qua là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chủ đầu tư các KCN trong tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất, hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dự án Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD đã đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Dự án Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD đã đi vào hoạt động cuối năm 2021.

“Với chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững, Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn. Mặt khác, tỉnh cũng cam kết nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để các dự án triển khai thuận lợi, sớm đi vào hoạt động”, ông Triết chia sẻ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của cảng nước sâu. Với mục tiêu đó, việc đầu tư hạ tầng của các KCN phải mang tính hiện đại, bảo đảm với điều kiện mà tỉnh đặt ra.

Do đó, nhiều KCN đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế khó tính. Cụ thể, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đất Đỏ 1, KCN Sonadezi Châu Đức… đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất để chờ đón các nhà đầu tư thứ phát.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Tín Nghĩa – Phương Đông, Chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, vị trí địa lý thuận lợi. Đặc biệt, với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và sắp tới là sân bay Long Thành là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây cũng là yếu tố mà Tín Nghĩa – Phương Đông quyết định đầu tư hạ tầng tại đây.

“Hiện có nhiều tập đoàn lớn đang đặt vấn đề đầu tư các dự án lớn tại KCN Đất Đỏ. Do đó, trong kế hoạch 2021 - 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần mạnh dạn mở rộng các KCN vì để chuẩn bị quỹ đất sạch thì phải mất 2 - 3 năm đầu tư hạ tầng, sau đó mới có thể đưa vào khai thác”, ông Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho hay, ngoài việc đầu tư mạnh và hiện đại hạ tầng của các KCN, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cải thiện dần môi trường đầu tư từ hạ tầng, quỹ đất và cải cách thủ tục hành chính.

“Tiêu chí đầu tiên vẫn là môi trường để khi các nhà đầu tư vào không vướng vào việc xử lý hậu quả môi trường về sau. Cùng với đó, hạ tầng kết nối phải đảm bảo sẵn sàng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ nhận đất sạch để triển khai dự án, nên tỉnh cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Vinh cho biết.

Theo Đời sống
back to top