Ba phương trà dược giúp nâng cao hệ miễn dịch

(khoahocdoisong.vn) - Sức đề kháng của cơ thể, bao gồm cả sức đề kháng tự nhiên và sức đề kháng thu được, là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... Khi sức đề kháng suy yếu thì nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao.

 Trong y học cổ truyền không có thuật ngữ «sức đề kháng», nhưng xét về mặt bản chất đó chính là khái niệm «chính khí». Cổ nhân quan niệm rằng : «Chính khí tồn nội, tà bất khả can» hay «Thân cường, tật nhược», có nghĩa là, một khi sức đề kháng của cơ thể được nâng cao thì các nhân tố bất lợi (tà khí) không thể xâm nhập vào cơ thể và gây thành bệnh được.

Chính vì vậy, trong việc phòng chống bệnh dịch, y học cổ truyền rất lưu ý vấn đề tăng cường chính khí (thường gọi là phù chính, bồi bản...) bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc dùng các loại trà dược.

 Trà Phù chính bình lựu: Sinh hoàng kỳ 250g, đẳng sâm 250g, bạch truật 250g, bạch linh 250g và phá cố chỉ 300g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Ích vị phù chính, tiêu ung. Trong phương, hoàng kỳ, đẳng sâm, bạch truật và bạch linh có tác dụng bổ ích tỳ khí, phù chính bồi bản, phá cố chỉ bổ thận ôn trung, trợ dương.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, loại trà này với vai trò quan trọng của hoàng kỳ và phá cố chỉ có công dụng nâng cao năng lực miễn dịch dịch thể và tế bào, làm tăng bạch cầu ở bệnh nhân ung thư sau khi dùng xạ trị và hóa trị liệu, đặc biệt là tế bào NK và đại thực bào. 

Trà Phù chính bồi bản: Hoàng kỳ 300g, kê huyết đằng 300g, phá cố chỉ 200g, thỏ ty tử 200g, đương quy 200g, kỷ tử 200g và trần bì 150g.Tất cả các vị thuốc đem sấy khô, tán vụn, trộn đều, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày có thể dùng 2 lần.

Công dụng: Ích khí bổ huyết, dưỡng tinh bồi bản. Trong phương, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí, kê huyết đằng, đương quy và kỷ tử bổ huyết, hoạt huyết, dưỡng âm; phá cố chỉ và thỏ ty tử dưỡng tinh, bổ thận, trợ dương.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, loại trà này cũng có tác dụng tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể, làm tăng lượng bạch cầu ở bệnh nhân ung thư sau hóa xạ trị liệu pháp, kháng virus và vi khuẩn, cải thiện công năng các tạng phủ.

Trà Ích huyết thăng dương: Sinh hoàng kỳ 10g, nữ trinh tử 10g, linh chi 6g, đan sâm 6g, đương quy 6g, đẳng sâm 6g, liên nhục 6g. Tất cả sấy khô, tán vụn, trộn đều, mỗi ngày lấy 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, phù chính. Trong phương, hoàng kỳ, đẳng sâm, liên nhục và đương quy bổ huyết hoạt huyết, nữ trinh tử bổ thận trợ dương.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, loại trà này cũng có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, làm tăng bạch cầu ở những bệnh nhân ung thư sau hóa xạ trị liệu pháp, nâng cao năng lực của tế bào NK (tế bào tiêu diệt tế bào ung thư), kháng khuẩn và kháng virus.

Ba loại trà dược trên đây đều rất đơn giản, dễ kiếm và dễ dùng. Trong hoàn cảnh bệnh dịch Covid-19 như hiện nay, ngoài các biện pháp dự phòng khác, hàng ngày chúng ta có thể sử dụng các loại trà này. Nếu khó uống có thể pha thêm với một chút mật ong hoặc đường phèn.

 ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top