Bà Nguyễn Phương Hằng có bị dẫn độ về Cộng hòa Cyprus để xử lý?

Việc bà Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam) có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus đang thu hút sự chú ý của cộng động mạng bởi điều này có thể ảnh hưởng đến quy trình tố tụng.
hang-.jpg
Bà Hằng bị khởi tố vì hành vi livestream xúc phạm danh dự, uy tín người khác.

Bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam tại Bình Dương) đang bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi livestream đưa những thông tin không đúng sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác.

Công an TPHCM cũng đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật…

Cơ quan điều tra hiện vẫn đang tiếp tục lấy lời khai, điều tra mở rộng để xem xét vai trò đồng phạm của một số cá nhân như: Đặng Anh Quân, Nguyễn Đình Kim, Anh nông dân, Điền Võ Vlog, Ha Lee, Hoàng Nhi...

Bà Nguyễn Phương Hằng sinh ngày 26/11971, từng mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, hiện đang có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.

Cộng hòa Cyprus (Síp) là một đảo quốc nằm tại phần phía Đông của biển Địa Trung Hải (phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, phía Tây của Syria và Li băng). Cyprus được biết đến với các chương trình cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch nếu có một khoản đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng, hoặc có một khoản quyên góp ủng hộ tại nước này.

Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật sư TP HCM), Điều 3 Chương I Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Ngoài ra, theo Điều 32 Chương 4 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án, Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ trong trường hợp Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

Như vậy, dù bà Hằng là người có 2 quốc tịch nhưng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam đến mức có thể xử lý hình sự, là công dân Việt Nam thì sẽ căn cứ vào quy định của BLTTHS Việt Nam để xử lý. Việc mang hai quốc tịch của bà Hằng không ảnh hưởng đến quy trình tố tụng và xét xử.

Theo Đời sống
back to top