Ba dinh trấn của Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị- Kỳ 2: Ước vọng xây dựng nghiệp lớn

c vọng xây dựng nghiệp lớn, Nguyễn Hoàng dặn người con kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành sơn và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch bi sơn) vững bền

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Dinh Trà Bát (1570- 1600)

Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa vào chầu vua Lê và đến phủ Thượng tướng Trịnh Kiểm lạy mừng, biểu lộ tình cảm anh em rất thân thiết vào mùa thu năm Kỷ Tỵ (1559) lúc Trịnh Kiểm 66 tuổi.

Đầu năm Canh Ngọ (1570), Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua Lê cho gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An và giao cho Nguyễn Hoàng kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

Để củng cố địa vị mới, Nguyễn Hoàng đã quyết định dời dinh trấn sang làng Trà Bát, ngôi làng nằm gần Ái Tử, chếch về phía Đông Bắc (Trà Bát hiện nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong).

Thực chất là mở rộng quy mô của vùng đất khởi nghiệp lúc đầu ở Ái Tử, tạo thế liên hoàn Ái Tử- Trà Bát để có điều kiện phát triển quy mô của dinh trấn. Vì thế chỉ sau một thời gian ngắn “thuyền buôn của các nước đã đến nhiều, và nơi đây trở nên một đô hội lớn”.

Vượt qua những trở ngại lớn của các cuộc chiến tranh nhỏ có tính chất cục bộ, Nguyễn Hoàng đã tạo được thế phát triển mới, do vậy năm Quý Dậu (1573) vua Lê Thế Tông sai người vào dinh Trà Bát sắc phong Nguyễn Hoàng làm Thái phó.

Năm Nhâm Thìn (1592) Trịnh Tùng tiến quân đánh chiếm lại Đông Đô. Năm Quý Tỵ (1592) vua Lê và đình thần trở về kinh đô, hoàn thành công cuộc Trung hưng. Từ Trà Bát, Nguyễn Hoàng đích thân chỉ huy tướng sĩ đem theo voi ngựa và binh thuyền ra Đông Đô, mang theo cả sổ sách về binh lương, vàng bạc châu báu của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam dâng nộp cho triều đình.

Trịnh Tùng dâng biểu tâu vua phong Nguyễn Hoàng làm Tướng quân đô đốc phủ, Tả đô đốc thái úy, tiến phong Đoan quốc công, vẫn tiếp tục kiêm lãnh chức vụ Tổng trấn tướng quân Thuận Quảng.

Trong 8 năm Nguyễn Hoàng ở lại kinh đô, công việc cai trị ở Thuận Quảng đều giao cho con trai Nguyễn Phúc Nguyên.

Dinh Cát (1600- 1626)

Tháng 5 năm 1600 từ Kinh đô trở về, Nguyễn Hoàng quyết định dời dinh trấn từ Trà Bát sang phía đông dinh Ái Tử trước đây, với tên gọi mới là Dinh Cát.

Tuy ba lần lập dinh trấn, nhưng Nguyễn Hoàng vẫn bám giữ trục Ái Tử làm căn cứ địa, giữ vững vùng đất dựng nghiệp mà ông đã chọn ngay từ ngày đầu, song với một tâm thế khác hơn trước, tâm thế từ một vị tổng trấn tướng quân trở thành một “chân chúa” độc lập với triều đình Lê- Trịnh ở phương Bắc.

Với ước vọng xây nghiệp lớn, năm 1602, Nguyễn Hoàng đã cử con là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam để làm quen với chính sự.

Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập thêm phủ Điện Bàn, đổi phủ Thiên Bình thành phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi…

Năm 1611, sau khi đánh dẹp đợt xâm lấn biên giới của quân Chiêm Thành, Nguyễn Hoàng đã cho thành lập phủ Phú Yên để ổn định khu vực biên giới cực Nam của vùng Thuận Quảng.

Để thu phục nhân tâm, Nguyễn Hoàng còn cho sửa chùa Sùng Hóa, dựng chùa Long Hưng (ở Duy Xuyên, Quảng Nam, dựng chùa Bảo Chân (ở Trà Kiệu, Quảng Nam)…

Sách lược xây dựng nghiệp lớn để thành chân chúa đang trên đà phát triển thuận lợi thì tháng 6 năm Canh Dần (1613), Nguyễn Hoàng qua đời.

Trước lúc lâm chung, Nguyễn Hoàng đã cho triệu người con kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên và một số thân thần để dặn dò: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành sơn và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch bi sơn) vững bền.

Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chớ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.

Từ năm Bính Dần (1626), Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh trấn về Phước Yên (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế), Dinh Cát không còn giữ vị thế là dinh trấn thủ phủ của họ Nguyễn và cũng từ đó đến các chúa Nguyễn về sau vẫn sử dụng dinh trấn cũ như một căn cứ tiền tiêu với tên gọi là Cựu dinh, Ngoại dinh.

Chí Đức

Theo Đời sống
back to top