Bà Ba Đề Thám đánh cờ

(khoahocdoisong.vn) - Thế cờ thắng thành hòa của Bà Ba Đề Thám đã đóng góp cho sự thành công của cuộc thương thuyết đình chiến giữa hai bên Pháp – Việt trong thời hạn 5 năm...

Thương thuyết - đình chiến để củng cố lực lượng

Năm 1892, Đề Thám tức Hoàng Hoa Thám lên thay thầy là Đề Nắm nắm quyền chỉ huy nghĩa quan chống thực dân Pháp. Đề Thám chọn vùng rừng Yên Thế làm địa bàn hoạt động chính của nghĩa quân.

Trải qua 6 năm ròng rã, lúc tiến lúc lui, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng nghĩa quân cũng bị tổn thất và cần có thời gian để củng cố cả về quân số và vũ khí lương thực... Đề Thám nghĩ đến một cuộc thương thuyết – đình chiến để thực hiện sách lược này.

Để tỏ rõ thiện chí hòa bình thực sự, Hoàng Hoa Thám cần một số cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa nghĩa quan với chỉ huy địch quân lúc đó. Được biết trong binh lính và sĩ quan địch (cả Việt lẫn Pháp) có nhiều người ham chơi cờ tướng, đồng thời với truyền thống lễ hội hàng năm vùng Phồn Xương, Yên Thế, Đề Thám tổ chức một ngày hội nghĩa quân thi đấu võ vật, kéo co và cờ tướng. Ông tính sẽ mời viên chỉ huy cao nhất và cũng là người chơi cờ hay nhất trong đám binh lính đồn trú tại Bắc Giang chơi cờ giao hữu với Bà Ba, đại diện nghĩa quân Yên Thế.

Bà Ba ( bà Đặng Thị Nhu, còn gọi là Ba Cẩn) sinh trưởng trong một gia đình nông dân vùng Yên Thế, Bắc Giang. Là một người con gái đồng quê, biết cả chữ Nho và chữ quốc ngữ. Mẹ mất sớm, bà thay mẹ, giúp cha đảm đang công việc đồng áng, chăm lo vườn cây, ao cá, trang trại... Cha bà vừa làm ruộng vừa mở trường dạy chữ Nho cho trẻ em trong làng. Đầu xuân hoặc những tháng nông nhàn, ông hay cùng bạn bè trong làng chơi cờ tướng hoặc ra đình đấu giải. Bà Ba cũng được ông cụ dạy đánh cờ từ nhỏ, nên với tư chất thông minh, bà đánh cờ rất giỏi.

Lễ hội diễn ra vào một ngày đầu xuân 1898. Trước khi vào thi đấu, Đề Thám dẫn viên sĩ quan cùng với một số tùy tùng đi tham quan doanh trại, kho tàng đã được ngụy trang và hư trương khéo léo, tham quan nơi đấu võ, đấu vật, kéo co. Tại lễ hội già trẻ gái trai kéo đến rất đông. Không khí tưng bừng của ngày hội hòa vào cảnh thiên nhiên của mùa xuân, cây cối tốt tươi, trăm hoa đua nở làm cho mọi người quên đi nỗi cực nhọc ưu phiền, hy vọng vào cuộc đời ngày mai tươi sáng hơn.

Số binh lính sĩ quan địch đến tham gia cũng bị cuốn vào không khí vui vẻ và nhộn nhịp của lễ hội. Cuối cùng họ tới sân cờ tướng. Đó là sân đình cổ rộng rãi. Ba mươi hai quân cờ bằng gỗ mít được gia công rất tinh xảo, chữ khắc chạm trên bốn mặt, sơn son thếp vàng đã được bày tề chỉnh.

Biết tài đánh cờ của vợ nên Đề Thám dặn dò mẹo mực trước. Bà Ba mặc áo cánh màu nâu non, quần đen túm gấu, thắt lưng nhiễu điều, cầm cờ đỏ đuôi nheo, mỉm cười đoan trang. Viên sĩ quan Pháp mặc bộ quần áo nhà binh, cũng thắt lưng nhiễu xanh, tay cầm cờ đuôi nheo xanh. Trong sân còn một thiếu niên cũng khăn áo đỏ, thắt lưng nhiễu điều, tay cầm một trống con sẵn sàng đánh liên hồi thúc giục đấu thủ đến lượt đi. Ngoài sân còn một bộ trống cái, một cái bàn mà trên đó là giải thưởng: Một vò rượu tăm thượng hạng, mười vuông nhiễu điều, riêng bánh pháo dài chừng hai mét được treo lên ngang tầm cây tre chôn cạnh bàn.

Người xem vòng trong vòng ngoài chật kín sân đình, trống giục liên hồi, không khí trang nghiêm như một trận đánh.

Lấy ngoại giao chuyển thắng thành hòa

Tiền chủ, Bà Ba cầm quân đỏ đi trước. Pháo đầu xuất thủ đường 5, quân Đen vó ngựa tung bay đường 7. Bà vốn nổi tiếng với kiểu pháo đầu mã đội, rồi hoành xe trên xuống cản tượng, đánh vào trung tâm bắt tướng.

Ngược lại, viên quan Tây chống lại bằng cặp ngựa đan đề, xuất xe chiếm lộ 2 và 8.

Tiến lui chừng 20 bước, Bà Ba chiếm được 3 đường quan trọng: đường 5 bằng 2 pháo, mã, đường 4 và 6 bằng 2 xe, đặc biệt xe lộ 6 chiếm tuyến sĩ tâm đang cản đường voi đối phương, sẵn sàng tung mã 5 tiến 6 dọa dọa bắt tượng rồi nhảy ra lộ 7 lưỡng chiếu.

Viên đại úy Pháp này chừng hơn 30 tuổi, vốn là một tay chơi cờ vua có hạng, sang Việt Nam học chơi cờ tướng và vì thế trình độ thắng tiến rất nhanh, vào loại xuất sắc nhất trong đám binh lính, sĩ quan địch. Nhưng lúc này đây, trước thế công của Bà Ba, hắn toát mồ hôi, nghĩ mãi mà chẳng tìm ra cách hóa giải trong khi tiếng trống lại giục liên hồi, hắn đành lùi mã về cản sĩ giữ tượng. Hắn biết rằng nước đi đó chỉ là một giải pháp tình thế, hai tay hắn cầm quân mã để thoái mà cầm mãi chẳng được. Nhìn toàn cục, hắn lâm vào thế bế tắc, bị động.

Thấy tình thế như vậy, nhớ lời Đề Thám, bản thân bà cũng không muốn để viên sĩ quan mất thể diện trước ba quân. Bà đã đấu một hai nước tốt rồi tuyên bố cờ hòa.

Thật là hú ví, viên sĩ quan quá mừng, chạy lại xin bắt tay bà và rối rít cảm ơn.

Giải thưởng được chia đôi nhưng Bà Ba nhường cả cho cho đối phương, rượu đem về khao lính, nhiễu điều đưa về quê làm kỷ niệm. Tướng quân Đề Thám thay mặt chủ nhà đứng lên trao giải, bắt tay viên sĩ quan Pháp. Ông hạ lệnh đốt pháo mừng và tuyên bố lẽ hội kết thúc trong tiếng hò reo vang dội cả núi rừng Yên Thế.

Trước khi chia tay, viên sĩ quan Pháp cảm động chân thành, hắn nói với vợ chồng Đề Thám: ”Những người Pháp sang đây trước tôi đã gọi các ông là dân Annamites. Qua cách ứng xử của các vị ở đây tôi thấy họ đã sai lầm lớn, đã không đánh giá đúng về con người và tài trí của người Việt Nam các ông!”

Cuộc giao lưu cờ tướng này là một đóng góp cho sự thành công của cuộc thương thuyết đình chiến giữa hai bên trong thời hạn 5 năm. Tranh thủ thời gian ấy, nghĩa quân đã phát triển thêm ra nhiều vùng của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng... củng cố được lực lượng, tranh thủ thêm vũ khí, tích trữ được nhiều lương thảo chuẩn bị cho những cuộc quật khởi lớn lao hơn.

Theo KH&ĐS
back to top