Atisô giàu khoáng chất

(khoahocdoisong.vn) - Atisô có nguồn gốc từ Địa Trung Hải nhập vào nước ta, được trồng nhiều ở Đà Lạt và một số nơi vùng đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ… Actisô là một loại rau xanh ăn bổ dưỡng còn là vị thuốc rất quý chữa một số bệnh liên quan đến chức năng gan, thận hiệu quả.

Cây atisô được sử dụng rất nhiều dạng như dùng tươi, khô, làm trà, nấu cao và dùng trong nhiều bài thuốc Đông y. Bông atisô là loại rau cao cấp thường dùng nấu canh thịt, hầm xương hoặc luộc, ăn cả cái và nước.

Atisô rất giàu khoáng chất như kali, magiê và photpho, để tăng cường sức khỏe tim mạch. Lá atisô làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) và tăng mức cholesterol tốt (HDL hoặc axit béo omega-3). Chất xơ có trong atisô góp phần vào sức khỏe của các mạch máu và động mạch. Hai chất chống oxy hóa được tìm thấy trong atisô, cynarin và silymarin giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của gan bằng cách giảm sự hiện diện của độc tố và tạo điều kiện đào thải chúng khỏi gan. Hơn nữa, phenol và axit có trong atisô đóng vai trò là chất kích thích, giúp trục xuất các độc tố có hại ra khỏi cơ thể và thúc đẩy sản xuất mật.

Để chữa gan yếu, phục hồi chức năng gan, giúp cơ thể giải độc: Lấy hoa atisô 50g, gan lợn 100g, cho thêm gia vị vừa đủ hầm ăn tuần vài lần.

Chữa viêm gan vàng da, viêm thận tiết niệu: Lá atisô tươi 100g hoặc khô 20g nấu uống. Tác dụng nhuận trường và lọc máu.

Chữa tiêu khát: Hoa atisô 50g, ý dĩ 50g, lách lợn 150g, gia vị vừa đủ. Hoa atisô, ý dĩ giã nhỏ, lá lách lợn rửa sạch, thái miếng, cho tất cả vào bát to, nêm gia vị vào trộn đều, đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần.  

Khi dùng atisô phải rửa sạch bằng nước nhiều lần vì trong bông, lá có nhiều lông nhung dễ bám bụi cát, cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Atisô tính hàn, ăn vào rất mát nhưng không nên sử dụng nhiều cho người tỳ vị hư hàn hoặc đang bị tiêu chảy. 

BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top