Áp xe phổi dễ vỡ và tử vong

p xe phổi là tổn thương mưng mủ ở phổi rất dễ gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Nếu không chữa khỏi có thể dẫn tới vỡ khối áp xe gây viêm màng phổi, màng tim, trung thất, hoại thư phổi…

Áp xe phổi là tổn thương khu trú của nhu mô phổi tiến triển tới mưng mủ. Thực ra trong viêm phế quản – phổi, một số phế nang chứa đầy dịch rỉ viêm tế bào mủ đã mang tính chất của những vi áp xe rồi…

Áp xe phổi ở đây (hay ở viêm phế quản – phổi áp xe hóa) là do vách các phế nang bị hủy hoại đã tạo nên một sự hợp nhất nhiều vi áp xe thành một áp xe có ranh giới rõ, giới hạn trong phạm vi một phân thùy, một tiểu thùy hay hai phân thùy kết hợp. Những vùng mưng mủ này thường có liên quan với những phản ứng viêm của phế quản.

Phổi xơ hóa (ảnh minh họa).

Viêm phế quản –phổi áp xe hóa ở trẻ em thường khác với áp xe phổi của người lớn ở chỗ: Áp xe phổi ở người lớn thường tiên phát, kích thước lớn, đa số trường hợp chỉ có một ổ; Viêm phế quản phổi áp xe hóa ở trẻ em có kích thước nhỏ và có thể có nhiều.

Ổ áp xe trong viêm phế quản – phổi cũng khác với ổ áp xe trong nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm khuẩn mủ huyết vì ở bệnh sau, áp xe thuộc loại vi áp xe, thường ở nông ngay sát dưới màng phổi, phải quan sát kỹ mới phát hiện được.

Biến chứng áp xe phổi trong viêm phế quản – phổi trước đây là phổ biến, hiện nay biến chứng này ít gặp hơn, chủ yếu có liên quan tới độc tính cao của vi khuẩn gây bệnh, đáng chú ý nhất là tụ cầu vàng. Khi phản ứng bảo vệ của cơ thể quá yếu, viêm phế quản phổi, áp xe hóa có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết với những vi áp xe nông đã mô tả xen kẽ.

Một khi đã hình thành, trung tâm ổ áp xe là một khối mủ, xung quanh là một vách dày với các phản ứng viêm khác nhau tùy giai đoạn tiến triển. Do tác dụng kháng sinh có khả năng làm tiêu áp xe, để lại những bóng khí, người ta có thể phát hiện chúng một cách gián tiếp qua chụp Xquang.

Biến chứng áp xe phổi có thể chữa khỏi nếu do vi khuẩn thông thường. Ở những áp xe thối, dai dẳng nhất là do tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn yếm khí, áp xe phổi rất dễ vỡ và có thể dẫn đến: viêm màng phổi mủ nếu vỡ ra màng phổi, viêm màng tim mủ nếu vỡ vào ngoại tâm mạc, viêm trung thất mủ (đặc biệt khi áp xe vỡ vào trung thất sau), khạc được mủ nếu áp xe thông với phế quản nhỡ hay lớn…, hoại thư phổi. Đây là những nguyên nhân tử vong khó khắc phục.

Trong một số trường hợp điều trị muộn hay không thích hợp, áp xe không tiến biến, sinh ra một mô hạt ở giữa và vỏ xơ bao quanh, sẽ có từng đợt mưng mủ. Cũng có khi áp xe không tiêu hết và không được lấp đầy sẽ nang hóa để sinh một bướu khí.

BS Tuấn Anh

(Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top