Ảo tưởng về mỹ phẩm than hoạt tính

Kem đánh răng than hoạt tính, xà phòng thơm than hoạt tính, sữa tắm than hoạt tính hay dầu gội đầu than hoạt tính… là những sản phẩm được quảng cáo có nhiều tính năng thần kỳ nhưng tác dụng thực sự lại không như thế.

Mỹ phẩm than hoạt tính không thần kỳ như nhiều người lầm tưởng

Thứ gì cũng “trộn” với than hoạt tính

Đi hội chợ, bà Vũ Lệ Giang (phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội) được người bán hàng giới thiệu một số sản phẩm than hoạt tính với những tính năng thần kỳ. Xà phòng than hoạt tính có thể diệt khuẩn đến 99%, dầu gội đầu than hoạt tính loại bỏ gầu, bụi bẩn, vi khuẩn gây nấm, ngứa chỉ sau vài lần gội, kem đánh răng than hoạt tính giúp diệt khuẩn, làm răng trắng sáng, không sâu răng, kem dưỡng than hoạt tính thải độc cho da…

Lần đầu biết đến sản phẩm chứa than hoạt tính, bà liền mua một lúc nhiều loại về dùng. Bà cho biết, những tác dụng như diệt khuẩn, diệt nấm ngứa,… thì mình không kiểm chứng được, dùng vì  nghĩ nó có thể có tác dụng đó thôi.

Còn kem đánh răng thì gần như là không có tác dụng làm cho răng trắng sáng hơn, lại càng không thể ngăn ngừa được sâu răng. Những sản phẩm này khi dùng đều có màu đen của than hoạt tính, nhưng thực hư tác dụng thế nào thì đến nay cũng chưa rõ ràng.

“Các loại mỹ phẩm chủ yếu có tác dụng làm sạch chứ không có tác dụng thải độc, dù được làm bằng nguyên liệu gì. Người tiêu dùng không nên lầm tưởng”, TS Phạm Văn Nho.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khóa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, than hoạt tính là một dạng của carbon được xử lý để có những lỗ rỗng bé thể tích nhỏ để tăng diện tích bề mặt cho hấp phụ hoặc phản ứng hóa học.

Than hoạt tính gồm chủ yếu là nguyên tố carbon ở dạng vô định hình (bột), một phần nữa có dạng tinh thể vụn grafit. Ngoài carbon thì phần còn lại thường là tàn tro, mà chủ yếu là các kim loại kiềm và vụn cát. Than hoạt tính có diện tích bề mặt ngoài rất lớn nên được ứng dụng như một chất lý tưởng để lọc hút nhiều loại hóa chất.

“Tác dụng là thế nhưng đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định khả năng của than hoạt tính trong các mỹ phẩm nói chung. Người tiêu dùng khi sử dụng thì cũng không thẩm định được những tác dụng như quảng cáo như thải độc, diệt khuẩn…”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết.

Không tác dụng

Chia sẻ về câu chuyện này, TS Phạm Văn Nho, Phòng Vật lý ứng dụng, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, than hoạt tính có diện tích bề mặt lớn hơn nhiều lần vật liệu khác nên có khả năng hút một số chất. Tuy nhiên, khi được chọn là nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm như xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt, than hoạt tính đã tự nó hút hết các thành phần có trong các sản phẩm này rồi.

Do đó, than hoạt tính gần như không có tác dụng gì trong việc lọc hóa chất, thải độc hay diệt khuẩn. Đáng tiếc là một số đơn vị sản xuất dựa vào sự hiểu biết nhập nhèm của người tiêu dùng để quảng cáo “vống” lên những tác dụng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về tác dụng thực sự của sản phẩm.

“Khi trộn than hoạt tính vào mỹ phẩm, tự nó đã hút hóa chất trong mỹ phẩm nên nó trở nên bão hòa. Than hoạt tính chỉ có tác dụng khi dùng nó để hấp thụ một số hóa chất chứ không trộn chung vào hóa chất. Ngày xưa người ta trang bị cho lính ra trận những chiếc mũ, mặt nạ chứa than hoạt tính để khi khí độc đi qua sẽ bị giữ lại, giúp người dùng không bị nhiễm độc hóa chất.

Ngày nay một số trường hợp ngộ độc thục phẩm, người ta cho uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc đào thải ra ngoài. Than hoạt tính có tác dụng lọc chất độc, nhưng chỉ khi sử dụng đúng cách”, TS Phạm Văn Nho cho biết.

TS Phạm Văn Nho đề xuất, sản phẩm than hoạt tính cũng giống như một số sản phẩm khác trên thị trường bị quảng cáo thổi phồng tác dụng. Trong khi người tiêu dùng thì có rất ít thông tin và hiểu biết khá lờ mờ về tác dụng của các loại sản phẩm này.

Nên chăng thành lập một hội đồng kiểm tra lại tính xác thực của các thông tin quảng cáo. Yêu cầu nhà sản xuất phải chứng minh được tác dụng thực sự của sản phẩm, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top