Ảo diệu ngân hàng càng nhỏ, giá cổ phiếu càng tăng cao

(khoahocdoisong.vn) - Cổ phiếu ngân hàng được coi là cổ phiếu vua trong thời gian qua, với mức tăng vọt theo từng ngày. Câu hỏi được đặt ra, liệu một số ngân hàng có "nội lực" tương xứng với mức tăng quá lớn đó?

Tăng không đồng đều với chất lượng tài sản 

Trong thời gian qua, đặc biệt tháng 5/2021, giá cổ phiếu của tất cả các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, từ ngân hàng nhỏ đến ngân hàng lớn đều tăng bật, "cõng" cả VN-Index đi lên ngưỡng cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Duy nhất “ông lớn” VCB tăng chậm rãi dưới 10%, còn lại cổ phiếu của các ngân hàng khác đều tăng trưởng với 2 con số, thậm chí theo cấp số nhân.

Đáng chú ý, ngân hàng càng nhỏ thì mức tăng lại càng lớn, bất chấp chất lượng tài sản, số vốn hoá của những ngân hàng này đang ở mức thấp.

Tăng mạnh và ảo diệu nhất phải kể đến cổ phiếu BVB của Ngân hàng thương mại Bản Việt. Mặc dù ngân hàng này có quy mô gần như nhỏ nhất hệ thống, nhưng giá cổ phiếu BVB tăng tới hơn 95% trong vòng 1 tháng, từ mức 13.800đ/cp lên tới 26.000đ/cp (trong phiên ngày 1/6).

Hay như cổ phiếu STB của Sacombank xưa nay vốn không được chú ý nhiều, bởi ngân hàng này còn nhiều tồn đọng sau khi sáp nhập với Southern Bank, như nợ xấu, chất lượng tài sản thấp. Thế nhưng cổ phiếu này cũng bất ngờ tăng hơn gấp đôi giá trị ban đầu.

Nhiều nhà băng có quy mô nhỏ khác cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng mạnh, như SGB (+85%), VBB (+83%), PGB (+78%), SSB (+52%), NAB (+51%)…

Mức tăng khủng của nhóm này đã đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng lên một vùng giá mới, dẫn dắt cả thị trường chứng khoán. Đặc biệt, tài sản của một số cá nhân trên sàn chứng khoán theo đó cũng tăng lên chóng mặt. Nổi bật nhất phải nhắc đến bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy), nhờ sở hữu cổ phiếu LPB và THD (tăng trên 37% trong tháng 5) đã đưa doanh nhân này lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Ngoài bầu Thụy, thị trường cũng tò mò về “đại gia bí ẩn” nào đó đã mua hơn 176 triệu cổ phần STB do NHTM Quốc Dân (NCB) thanh lý nợ xấu với giá dưới 20.000đ/cp vào ngày 29/3/2021.

Đáng chú ý, ngay lập tức sau đó, giá cổ phiếu STB tăng nóng từng ngày và "leo" lên tới giá trên 30.000đ/cp, thậm chí giá trần là 34.000đ/cp trong tháng 5. Như vậy, vị đại gia này đã thu về hơn 1.760 tỷ đồng tiền chênh lệch chỉ trong vòng hơn 1 tháng nhờ cổ phiếu STB.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang ở mức đỉnh của đỉnh. Một số ngân hàng nhỏ và chất lượng tài sản lẫn tín dụng yếu đang có mức tăng nóng mà không có cơ sở vững chắc nào là do tăng theo “sóng ngành” và không loại trừ yếu tố có “đội lái” đưa các ngân hàng này "ăn theo sóng".

“Nếu nhà đầu tư quan sát thị trường thời gian dài, sẽ dễ dàng nhận thấy, một số cổ phiếu nhà băng được đẩy tăng giá rất "lộ liễu", khi các lệnh khớp trần đột ngột với khối lượng cao. Nếu như diễn biến giá không còn phụ thuộc chính vào cung cầu thực tế trên thị trường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất” - ông Khánh nhận định.

Mất “ngôi vua”?

Lý giải việc cổ phiếu ngân hàng liên tiếp dẫn dắt thị trường chứng khoán trong suốt thời gian qua, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, ngân hàng biết cách “xoay xở” kiếm tiền rất giỏi trong đại dịch, mang về những khoản thu nhập lãi và lợi nhuận khổng lồ, trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì “điêu đứng”, thậm chí “chết lâm sàng”. Hơn nữa, ngân hàng về lý thuyết là xương sống của nền kinh tế, cung cấp vốn cho nền kinh tế, cho nên “sóng” cổ phiếu ngân hàng đã được hình thành và được đẩy ngày càng cao hơn, xa hơn.

Ông Phan Dũng Khánh.

Ông Phan Dũng Khánh.

Tuy nhiên, cổ phiếu của một số ngân hàng đang được định giá cao hơn thực chất của nó.  Cứ cho rằng, ngân hàng đó có thể sẽ kinh doanh tín dụng hoặc phi tín dụng tốt hơn, nhưng đó là yếu tố trung và dài hạn, trong khi tốc độ tăng giá của những cổ phiếu này lại tính theo từng phiên. Bởi vậy, sự tương đồng giữa giá cổ phiếu hiện tại và chất lượng nhà băng đó không đồng đều nhau, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Đáng bàn là, mặc cho nhiều nhà đầu tư trong nước đang say sưa với sóng ngân hàng, thì khối ngoại lại đang gia tăng bán ròng mạnh mẽ.

Thống kê sơ bộ từ đầu năm tới ngày 4/6, khối ngoại đã bán ròng, xả mạnh cổ phiếu CTG với 5.744 tỷ đồng, tiếp sau là các mã VPB với 2.950 tỷ đồng cổ phiếu VPB, VCB với 1.800 tỷ đồng, MBB với 1.572 tỷ đồng, BID với 1.302 tỷ đồng...  

Sang những ngày tuần đầu tháng 6/2021, cổ phiếu nhóm ngân hàng bất ngờ bị ngắt mạch tăng và gãy khúc đi xuống, kéo theo cả thị trường phủ sắc đỏ,

Tuy nhiên, sau hai 2 ngày lao dốc, thị trường có dấu hiệu phục hồi. Nhưng nhóm cổ phiếu nâng đỡ không còn là ngân hàng nữa mà là nhóm khác.

Hiện tại, khi cổ phiếu các công ty chứng khoán đang rủ nhau đi lên, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tỏ ra yếu ớt khi dòng tiền đổ vào sụt giảm thê thảm. VPB là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất với hơn 21,9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.549 tỷ đồng, nhưng lại gây chú ý với mức xả rõ rệt, đẩy giá VPB giảm 1,81%.

Ngoài VPB, nhóm thanh khoản nhất là STB, MBB, TCB cũng chỉ khớp lệnh quanh mức 500 tỷ đồng. CTG, LPB thậm chí còn thanh khoản kém nhiều mã khác.

Chưa thể khẳng định, dòng tiền đã không còn thiết tha với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng việc thanh khoản sụt giảm đáng kể sau các tuần bùng nổ cho thấy đang có sự cân nhắc giao dịch.

Khi được hỏi, liệu cổ phiếu nhóm ngân hàng tiếp tục là cổ phiếu vua, tiếp tục dẫn dắt thị trường không, ông Khánh trả lời điều đó là khó xảy ra. “Bởi nhóm này đã dẫn dắt trong một chu kỳ quá dài rồi. Chỉ một số ít cổ phiếu còn dư địa tăng theo chất lượng thực sự của ngân hàng, còn lại sóng sẽ đi xuống”.

Theo đó, ông Khánh cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên nắm giữ thay vì mua thêm. Với nhà đầu tư mới (F0) thì hạn chế mua cổ phiếu nhóm ngân hàng, do nhóm này đã tăng chạm đỉnh, nếu chờ tăng nữa thì phải rất dài hạn. Do đó, nhà đầu tư nào nắm giữ ngắn và trung hạn sẽ gặp bất lợi về tỷ suất lợi nhuận.

Theo Đời sống
back to top