Ăn uống thất thường gây rối loạn thần kinh dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh rối loạn thần kinh dạ dày gây dẫn đến rối loạn chức năng co bóp và tiết dịch để lại hậu quả là đau dạ dày, khó tiêu... Việc lựa chọn bồi bổ phải tùy theo triệu chứng để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Dạ dày cũng như các phần khác của ống tiêu hóa đều được chi phối bởi thần kinh thực vật: Phần đối giao cảm (do dây thần kinh phế vị (dây X) và một số nhánh của đoạn tủy cùng có vai trò tăng co bóp, bài tiết); Phần giao cảm (Gồm các sợi giao cảm từ các hạch giao cảm ngực và thắt lưng, làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa); Phần cảm giác tạng: Các xung động cảm giác của các cơ quan tiêu hoá được dẫn truyền qua các sợi hướng tâm đến tuỷ gai và võ não).

Bệnh thần kinh dạ dày nhiều khi không tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh hay nguyên nhân rất mơ hồ, tựu chung lại chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính:

Nguyên phát: Thường xuất phát từ những yếu tố thần kinh tâm thần gây nên, ví dụ như stress, tức giận, hay sự sợ hãi, các sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau…Nguyên nhân này được coi là bệnh thần kinh dạ dày điển hình.

Thứ phát: Có thể là hệ lụy do các bệnh lý ở cơ quan khác như bệnh mạn tính (viêm gan mạn, viêm tụy mạn, viêm túi mật mạn, viêm đại tràng mạn...); bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp...), chấn thương, nhiễm độc, do tác dụng phụ của một số thuốc nhất là thuốc điều trị ung thư.

Ngoài ra, thói quen ăn uống, ăn nhanh, nhai không kỹ, giờ giấc ăn thất thường, ăn nhiều gia vị cay nóng, uống nhiều rượu, bia; Làm việc nặng sau khi ăn; chế độ sinh hoạt thiếu khoa học cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Chứng loạn thần kinh dạ dày ruột là một khái niệu tổng hợp, do thể thể chất của người bệnh khác nhau nên các biểu hiện cũng không giống nhau. Biểu hiện: Đau thắt dạ dày, dạ dày cảm giác như bị khuấy tung lên; Sự đầy hơi thường xuyên, có thể xuất hiện ợ hơi; Buồn nôn hoặc buồn nôn liên quan đến bữa ăn (trước hoặc sau); Ăn không ngon miệng, không còn hứng thú với những món ăn ưa thích; Ăn nhanh đầy bụng, cảm giác ăn ít đã no; Thường xuyên táo bón hoặc tiêu chảy do dạ dày bị rối loạn chức năng co bóp; Đi tiểu thường xuyên hoặc không kiểm soát được hoặc đi đại tiện nhiều. Bệnh thần kinh dạ dày kéo dài làm người bệnh sút cân, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống, công việc... Vì thế, việc lựa chọn bồi bổ cũng khác nhau:

Người bệnh cơ thể hư nhược, tiêu hóa kém, thường hay ứa nước miếng: Lúc này nên ăn uống nóng, nên bồi bổ bằng một ít nước gừng hành đặc, canh thịt hoặc canh gà hành hoa. Cũng nên uống một ít giấm gạo, ăn một ít sơn tra sau bữa ăn, để kích thích tiết dịch vị, tăng cường năng lực tiêu hóa.

Người bệnh thường bị ợ chua, nuốt chua: Nên ăn những thức ăn có chứa protein và lipid dễ tiêu, như thịt bò, sữa đậu nành, bơ, thịt mỡ... Vì protein có thể trung hòa được dịch vị, lipid có thể ức chế tiết dịch vị. Phải kiêng ăn gạo nếp và đồ ngọt.

Những người bị đi đại tiện lỏng và nhiều lần: Ăn nhiều thức ăn mềm, sền sệt có chứa protein, đường và vitamin như: mỳ, cháo gạo, canh rau, nước quả... Bổ sung nước và dinh dưỡng cho cơ thể, kiêng ăn lạnh, sống, ngậy béo và thức ăn thô chứ nhiều chất xơ.

Người có triệu chứng nôn do thần kinh: Đầu tiên nên nhịn ăn, đợi sau khi đỡ nôn mới ăn những thức ăn thanh đạm, loãng mềm như cháo loãng, bột ngó sen, canh trứng, sữa bò, bánh mì lát... kiêng ăn những thức ăn kích thích cay. Không được ăn một lần quá nhiều, để tránh gây nôn.

Ngoài ra, người bị bệnh này phải ăn đúng giờ, đúng lượng, ăn ít chia làm nhiều bữa, cố gắng thật điều độ.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top