Ăn uống góp phần hình thành sỏi?

(khoahocdoisong.vn) - Thận là cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của con người. Trong các bệnh lý về thận tiết niệu thì bệnh sỏi thận tiết niệu là hay gặp .

Trong các bệnh lý về thận tiết niệu thì bệnh sỏi thận tiết niệu là hay gặp nhất, đây cũng là căn bệnh có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống, và có thể phòng ngừa được.

Không để cơ thể mất nước

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sỏi. Nên ăn đủ canxi, hạn chế muối, thịt, uống đủ nước (nhiều hơn 2 lít/ngày). Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng có thể giúp giảm nguy cơ tái phát sỏi.

Khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành sỏi thận. Trên thực tế, tỉ lệ các trường hợp bị sỏi thận tăng lên 40% trong mùa hè. Những người làm việc trong môi trường nóng hoặc có thói quen không uống đủ nước sẽ dễ bị sỏi thận. Đặc biệt, nhiệt độ tăng lên 5-70C sẽ làm tăng 30% các vấn đề liên quan đến bệnh sỏi thận. Chính vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh sỏi thận đặc biệt cao ở những vùng có khí hậu khô, nóng.

Cơ thể bị mất nước, dẫn đến nước tiểu đặc hơn, do đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy uống nhiều nước là phương pháp phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, an toàn và đơn giản nhất. Mỗi ngày cần uống khoảng từ 2,5 – 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm cho sao để có lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít trong một ngày. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân dễ bị sỏi tái phát do không áp dụng đúng việc uống nước đủ và đều. Cần uống đủ và nhất là phân chia lượng nước uống đều trong cả ngày lẫn đêm để giảm độ cô đặc của nước tiểu, nhất là về buổi sáng.

Một số kinh nghiệm nhỏ rất hữu ích đó là thường xuyên đem theo những chai nước nhỏ khi ra khỏi nhà, uống nước trước và sau khi đi tiểu, uống trước khi ngủ và ngay khi tỉnh dậy... Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi - hai loại thức uống này có chứa nhiều citrat là chất giúp chống lại sự tạo thành sỏi niệu.

Giảm ăn mặn

Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận … Hiện nay đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5g muối/ngày.

Do vậy cần chú ý giảm các loại gia vị mặn chứa nhiều muối được cho vào trong quá trình nấu ăn; hạn chế ăn các món kho, rim, rang; hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối như giò, chả, xúc xích, thịt xông khói, mì ăn liền, bánh mì, bim bim, các món ăn rang muối, dưa cà muối, cá khô...; hạn chế chấm nước mắm, muối, bột canh, tốt nhất là khi ăn các loại nước chấm thì nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác bù cho vị mặn bị bớt đi.

Ăn đủ các thực phẩm có chứa nhiều canxi

Nhiều người có quan niệm, ăn  thực phẩm có chứa nhiều canxi là nguyên nhân gây sỏi thận – tiết niệu là không đúng. Kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi sẽ gây mất cân bằng trong việc hấp thụ, khiến cơ thể tái hấp thụ nhiều chất oxalat từ ruột và sẽ tạo ra sỏi niệu.

Lượng canxi ăn vào khoảng 800– 1.300mg/ngày sẽ làm giảm sự bài tiết chất oxalat trong nước tiểu. Vì vậy ăn uống điều độ thực phẩm có chứa  nhiều canxi cũng là cách phòng ngừa sỏi thận tiết niệu. Sữa tươi chứa nhiều canxi, mỗi ngày chúng ta có thể dùng 2- 3 cốc sữa tươi hoặc một số lượng tương đương sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai…

Ăn nhiều rau tươi

Chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, hạn chế ứ đọng trong ruột, hạn chế sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng bài tiết chất citrat chống lại sỏi tiết niệu.

Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalat

Oxalat là một loại axit có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận oxalat canxi. Các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat bao gồm các sản phẩm đồ uống như soda, trà đá, sô cô la; cây đại hoàng, dâu tây và các loại hạt. Cắt giảm các loại thực phẩm này chính là cách đơn giản để phòng bệnh sỏi thận.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top