“Án tử” bệnh ung thư: Suy nghĩ tích cực, tăng sức đề kháng

Khi mắc bệnh ung thư, chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy tâm lý đau khổ, tuyệt vọng. Thế nhưng, sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất để ngừa và điều trị bệnh các nhiễm trùng và ung thư. Suy nghĩ càng tích cực càng làm tăng sức đề kháng một cách mạnh mẽ.

Ung thư là nỗi lo của nhiều người.

Thay đổi lối sống sau khi bệnh

Một trong những kế hoạch của “chiến binh” để chiến đấu lại bệnh ung thư, theo BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ung thư Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đó chính là việc thay đổi lối sống sau khi bị bệnh.

Bạn hãy nhận thức và chấp nhận bạn là người bị ung thư. Đừng e ngại sợ sệt để mọi người cảm thông và động viên mình

Bạn phải thay đổi cách sống, môi trường những thói hư tật xấu và bạn phải suy nghĩ làm sao để cải thiện sức khỏe cho bạn trong thời gian dài

Bạn phải có chế độ ăn, uống hợp lý, không kiêng cử quá mức.

Ăn kiểu gì cũng được, miễn là tuân thủ nguyên tắc ăn đủ chất và lượng. Ăn chay dễ bị thiếu chất, ăn mặn dễ bị dư chất. Không nên bắt người không quen ăn chay phải chuyển qua ăn chay; cũng không nên bắt người quen ăn chay phải ăn mặn.

Ăn chay muốn không bị thiếu chất, bữa ăn phải phong phú chủng loại rau xanh, đậu, nấm, củ, quả… Như vậy, thật ra còn đắt hơn ăn mặn và việc chuẩn bị tốn thời gian hơn.

Nguyên tắc ăn uống phải nhớ: Ăn nhiều rau cá trái cây…giảm ít thịt và thực phẩm có phẩm màu, hoá chất… Tốt nhất, bạn nên tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về bệnh ung thư

Nếu là người uống rượu bia và thuốc lá, thì bạn phải cắt giảm. Bạn phải kiểm soát cân nặng của mình. Cùng với đó là có chế độ nghỉ ngơi, làm việc vừa sức, nhất là cần ngủ đủ giấc.

Đặc biệt, bạn phải tham gia hoạt động thể dục, tập một môn thể dục phù hợp cho riêng mình, nếu thể thao ngoài trời càng tốt như đi bộ, bơi lội, tenis , Tập yoga…

Nếu có thể, bạn nên tham gia câu lạc bộ của những người bị ung thư để vui chơi , du lịch, chia sẻ những lợi ích trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

“Án tử” bệnh ung thư: Suy nghĩ tích cực, tăng sức đề kháng ảnh 2Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ

Khi bị bệnh ung thư, như đã nói, chúng ta dễ rơi vào trạng thái tâm lý tuyệt vọng, chán nản, coi như cầm chắc cái chết trong tay. Tuy nhiên, sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất để ngừa và điều trị bệnh các nhiễm trùng và ung thư. Suy nghĩ càng tích cực càng làm tăng sức đề kháng một cách mạnh mẽ.

Tinh thần lạc quan vui vẻ không quan tâm lo lắng về bệnh tật của mình, mọi việc tới đâu hay tới đó và tin tưởng với phương pháp điều trị sẽ khỏi hay ít ra là kéo dài đời sống thêm một thời gian dài.

Đặc biệt, là bạn không bao giờ được từ bỏ hy vọng trong điều trị ung thư. Hiện nay, chúng tôi, các chuyên gia ung bướu, khẳng định chúng ta có nhiều vũ khí chống lại ung thư và giúp người bệnh có thể sống còn với một chất lượng cuộc sống tốt. Nhưng điều tiên quyết, chúng ta phải thường xuyên thực hiện các chương trình tầm soát, sớm phát hiện ở những giai đoạn đầu.

Và cần lưu ý nguyên tắc: Bồi dưỡng là một công việc tổng hợp, gồm những nội dung phối hợp với nhau chặt chẽ: Bồi dưỡng thể chất, bồi dưỡng tinh thần, bồi dưỡng vận động. Trong đó, việc bồi dưỡng tinh thần rất quan trọng.

Sống chung với căn bệnh ung thư là một hành trình dài, trong điều trị, chìa khóa quan trọng nhất là duy trì thái độ tích cực. Bằng chứng cho thấy hệ miễn dịch của bạn sẽ hoạt động tốt hơn khi bạn làm chủ được trí tuệ, cơ thể và cả linh hồn mình

Nếu ung thư không còn khả năng điều trị, hãy nghĩ việc gì đến rồi phải đến.

Nếu ung thư tiếp tục tiến triển hay ung thư quay trở lại sau một loạt điều trị thất bại: Lúc này phải tính toán lại thật kỹ, không nên dồn tất cả sức lực tiền bạc vào một phương pháp điều trị mà chỉ có thể giúp kéo dài cuộc sống trong một thời gian ngắn (vài tuần, vài tháng).

Lúc này, chăm sóc giảm nhẹ sẽ cải thiện chất lượng sống còn lại của bạn. Chăm sóc tại nhà là cách điều trị giai đoạn cuối tốt nhất để vui lòng bạn và người thân của mình. Duy trì hy vọng là quan trọng. Có thể hiệu quả điều trị sẽ rất thấp nhưng bạn vẫn nên tươi vui và dành thời gian tốt đẹp nhất cho gia đình .

Mỗi năm ở Việt Nam có tới 150.000 người bị phát hiện ung thư mới, một con số khổng lồ và tăng lên mỗi năm. Cứ mỗi 24h lại có 300 người ra đi vì ung thư. Ung thư thường được gắn liền với án tử hình đến muộn, và định kiến tiêu cực đó cho đến nay vẫn còn khắc sâu trong trí não nhiều người và đẩy những bệnh nhân ung thư vào hố sâu của lo lắng, tuyệt vọng, hoảng loạn. Sống trên đời con người  phải tuân thủ quy luật sinh – lão – bệnh – tử, cho dù có ung thư hay không. Cuộc đời này vẫn tràn đầy tình yêu thương, quá nhiều trải nghiệm chờ đón, quá nhiều việc ý nghĩa phải làm, không cho phép chúng ta lãng phí thời gian vào việc suy nghĩ hay phiền muộn về cái chết. 

Mai Nguyễn

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top