Ăn rau màu đậm chống loét dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Rau củ tươi, hoa quả sẽ cung cấp lượng vitamin có tác dụng làm lành chỗ loét. Các loại rau củ non, đặc biệt họ cải và thực phẩm có chứa flavonoids có tác dụng làm lành vết thương.

Ăn hợp lý giúp viêm loét tiến triển chậm

Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng cho biết, viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng tổn thương tại chỗ mà cơ chế chủ yếu là tăng tiết axit dạ dày làm cho niêm mạc bị tổn thương và đồng thời cũng chính axit này làm cho vết thương khó lành.

Một chế độ ăn uống hợp lý cho người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng có thể làm giảm tiết axit và giảm tác dụng của axit đã tiết ra lên niêm mạc dạ dày; bảo vệ niêm mạc. Qua đó, giúp cho viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển chậm và chóng hồi phục hơn.

Trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian lành vết thương. Vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24 – 48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ làm kích thích tăng tiết axit càng làm loét vết thương. Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước và làm loãng dịch vị. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn súp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1.200 – 1.300kcal. Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần, cách nhau một giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.

Đối với viêm loét dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axit folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.

Ăn chậm nhai kỹ vì khi nhai sẽ tăng tiết nước bọt, có tác dụng làm giảm và bão hoà axit trong dạ dày. Chế độ ăn đúng giờ, đúng bữa, không ăn quá khuya trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ. Không nhịn đói, không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày), thực phẩm cần được thái nhỏ, nấu kỹ, nghiền nát sẽ làm giảm được kích thích tiết dịch vị và giúp vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng.

Thức ăn được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200ml nước (canh hoặc nước khác).  Nên ăn canh riêng sau khi đã ăn hết bát cơm vì chan canh ăn lẫn với cơm, sẽ không nhai được kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

Người bệnh nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu xong để thức ăn còn nóng, tốt nhất là 40-50 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp này thức ăn dễ được tiêu hóa, hấp thu và không gây kích thích. Thức ăn nguội lạnh làm co bóp mạnh cơ dạ dày, thức ăn nóng quá làm cho niêm mạc dạ dày xung huyết và co bóp mạnh hơn.

Chọn loại thực phẩm chữa bệnh

Theo L.Y Hoàng Duy Tân, nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, người bị viêm loét dạ dày cần chọn các loại thực phẩm có tác dụng như:

Các loại rau có lá màu xanh đậm: Bông cải xanh, cải brussel, cải bắp, măng tây, cải xoăn, rau bina, đậu xanh là nguồn cung cấp vitamin A, C, K, axit folic, sắt, và canxi – là nguồn quan trọng đối với việc trị bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày. 

Thực phẩm có chứa flavonoids: Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm y tế Đại học Maryland, flavonoid giúp ức chế vi khuẩn Helicobacter, là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày. Ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid như cần tây, nam việt quất, táo, trà xanh, quả việt quất, anh đào và ớt chuông... giúp ngăn ngừa và trị lành vết loét và viêm dạ dày.

Nước ép bắp cải: Được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp lành vết loét, thành sẹo nhất là loét dạ dày, tá tràng, ruột. Tại Mỹ đã tiến hành một cuộc thí nghiệm cho những người loét dạ dày tá tràng uống 1/2 lít nước bắp cải mỗi ngày trong ba tuần. Sau đó qua nội soi, các chuyên gia đã thấy có sự hình thành một lớp màng nhày có hai chức năng vừa che chở, vừa tái tạo niêm mạc dạ dày.

Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh các thực phẩm, thức uống có tính axit và gây kích thích như ớt bột, hạt tiêu đen, bột cà ri, các sản phẩm cà chua, trái cây, cà phê, rượu, ca cao, sô cô la, và trà.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top