Ăn gì nhanh lành vết bỏng

Bỏng có thể để lại các di chứng nặng nề về chức năng, về thẩm mỹ và tâm lý. Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng đúng đóng vai trò quan trọng giúp người bị bỏng nhanh hồi phục, cải thiện thẩm mỹ làn da, giảm bớt mặc cảm tâm lý.

Những dưỡng chất tốt cho da

PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm Da liễu thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, vào dịp hè, số người bị bỏng thường tăng cao, đặc biệt là trẻ từ 5 – 15 tuổi. Đáng chú ý, gần đây số lượng chị em bị bỏng da, tổn thương da do làm đẹp, tắm trắng, tẩy nám bằng các mỹ phẩm có axit nhẹ cũng gia tăng đáng kể.

Bên cạnh việc lựa chọn cho mình những cơ sở điều trị bỏng có chuyên môn, uy tín, người bệnh cần được tư vấn kỹ về chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ vết thương mau lành, chống sẹo và những co kéo về thẩm mỹ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân bỏng nặng hay nhẹ, mức độ tổn thương sâu hay rộng mà các bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cũng như yêu cầu gia đình phối hợp chăm sóc bệnh nhân. Giai đoạn sốc bỏng, nhiễm độc, nhiễm trùng, bệnh nhân được hỗ trợ ăn qua đường tĩnh mạch (25%) đường ruột (75%).

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bỏng các gia đình áp dụng chủ yếu cần trong giai đoạn phục hồi. Chế độ dinh dưỡng giúp điều chỉnh miễn dịch và kháng viêm tốt cho bệnh nhân bỏng. Chất đạm (protein), vitamin A, vitamin C, acid béo Omega 3, kẽm là những chất thiết yếu quan trọng để phục hồi vết bỏng. Chất đạm (protein) giúp tái tạo mô liên kết và làm đầy vết thương.

Chất đạm có nhiều trong thịt lợn nạc giúp nhanh lành vết thương.

Nếu chế độ ăn thiếu hụt protein, làn da sẽ chậm lành vết thương và tăng khả năng hình thành sẹo. Chất đạm có nhiều trong thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm, trứng, sữa, cá, đậu tương và các loại hạt…

Vitamin A là loại vitamin quan trọng hàng đầu, thúc đẩy quá trình nhanh lành vết thương và sản sinh ra những tế bào da mới để hạn chế nguy cơ sẹo.

Loại vitamin này có nhiều trong rau lá xanh sẫm như cải xoong, cải bó xôi… các loại trái cây và thực phẩm chế biến từ bơ sữa.

Vitamin C quan trọng cho việc tổng hợp collagen và tham gia sản sinh bạch cầu chống lại vi khuẩn, cải thiện tình trạng vết thương.

Cam, quít, trái cây có nhiều vị chua, cà chua, khoai lang, khoai tây, các loại rau xanh là nguồn vitamin C phong phú. Acid béo Omega 3 giúp điều chỉnh miễn dịch và kháng viêm, có nhiều trong những loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích…).

Một số điều cần lưu ý

Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng TS.BS Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị bỏng cần lượng nước 2500-3000 ml mỗi ngày. Nếu uống ít nước, vùng da bị bỏng có xu hướng bị khô, mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.

Có thể uống trà loãng, sữa, sữa đậu, nước dưa hấu, nước hoa quả, nước đậu xanh. Trường hợp ăn uống kém có thể uống thêm sữa cao năng lượng 2 – 3 ly mỗi ngày để cung cấp thêm năng lượng cũng như các dưỡng chất cần thiết giúp mau lành vết bỏng.

Kẽm là vi chất giúp tăng cường miễn dịch và tái tạo tế bào, tập trung nhiều trong những loại đồ ăn hải sản, tôm, cua, ốc, hàu, ngao…

Tuy nhiên, hải sản là thực phẩm dễ gây kích ứng, dị ứng, ngứa. Vì vậy, người bệnh cần tránh những loại hải sản mình có tiền sử dị ứng. Cua, tôm dễ dị ứng nên cần chế biến phối hợp với các thực phẩm khác, không nên ăn trực tiếp số lượng lớn.

Hải sản tốt cho giúp tăng cường miễn dịch và tái tạo tế bào da nhưng cũng dễ gây ngứa, kích ứng đối với người bị bỏng.

Những trường hợp bỏng gây suy thận, TS Nguyễn Kim Thanh khuyên nên chọn các thức ăn chứa nhiều kali như: nấm tươi, nấm hương, khoai tây, nước thịt bò, nước quýt…; kiêng ăn nhiều muối.

Mặt khác, không nên ăn quá nhiều bơ, dầu, đường; bánh kẹo, thịt xông khói… vì các món này gây hao hụt vitamine và chất khoáng đang cần được tích lũy cho phản ứng tái tạo mô mềm.

Tuyệt đối tránh thuốc lá, rượu, cà phê, chất kích thích, gây hao hụt vitamine, chất khoáng dẫn đến rối loạn nước và chất điện giải trong khi vết bỏng đang rất cần nước. Đối với những trường hợp bỏng nhẹ thì chế độ ăn có thể duy trì như thường ngày.

Đức Vinh

Theo Đời sống
back to top