Ăn cơm vẫn không lành

(khoahocdoisong.vn) - Cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Nhiều người nghĩ đây là món ăn lành tính, tốt cho sức khỏe nhưng thực tế khoa học đã chứng minh, nếu ăn quá nhiều cơm trắng thường dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiểu đường do lượng đường trong cơm khá lớn.

Ăn cơm cho lành là câu cửa miệng của bà Vũ Thị Hồng (Đội Cấn, HN). Bà Hồng trước đây làm nông nghiệp, sau chuyển lên thành phố buôn bán. Dù cuộc sống khá giả nhưng bà vẫn quen nếp cũ, bữa nào cũng đánh bay 3 bát cơm, rau dưa, thịt cá ăn đầy đủ, không kiêng khem. Có lẽ vì thế mà bà khỏe. Bà bê vác hàng như thanh niên. Ấy vậy mà vừa rồi khám sức khỏe định kỳ, bà mới biết mình bị tiểu đường.

Lời bàn: BS Nguyễn Thị Lan (TT Y tế Đồng Tâm, HN) cho biết, cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Nhiều người nghĩ cơm lành, tốt cho sức khỏe nhưng thực tế khoa học đã chứng minh, nếu ăn quá nhiều cơm trắng thường dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiểu đường do lượng đường trong cơm khá lớn.

Người ta đã tính toán, lượng carbohydrate có trong một chén cơm trắng cao gấp đôi so với một lon nước ngọt có gas, đây được cho là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở châu Á cao hơn nhiều so với châu Âu. Tinh bột trong gạo trắng thường làm tăng lượng đường trong máu khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường hơn. Khi có tuổi, nếu có thói quen ăn nhiều cơm, có thể thay gạo trắng bằng gạo lứt, ăn tăng khoai củ, giảm cơm, ăn rau trước ăn cơm để giảm đường trong máu. Nếu không thay đổi thói quen ăn uống, lượng đường tồn đọng trong máu cao sẽ gây hại cho thận, bệnh tiểu đường nặng thêm.

Theo Đời sống
back to top