Ăn cá thế nào để tốt cho sức khỏe?

Cá là thực phẩm có hàm lượng khoáng chất, vitamin và protein vô cùng phong phú. Protein trong thịt cá dễ hấp thụ, tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt là tốt hệ tiêu hóa và tim mạch. Vậy ăn cá như thế nào để tốt cho sức khỏe?

• Canh đậu đỏ cá chép trị viêm thận cấp tính

• Canh cá rô giàu dinh dưỡng

•  Cá hồi chưng tương ngừa bệnh tim mạch

Trong cá có chứa rất nhiều vitamin cần thiết như vitamin A, D, phốt pho, magiê, kẽm, và iốt… Đặc biệt lượng canxi có ở trong một số loại cá như cá hồi, cá nục, cá thu rất tốt cho hệ xương.

Cá tươi và cá đông lạnh

Khi ăn cá người ta kỵ nhất là cá bị nhiễm E.coli vì vệ sinh không đảm bảo. BS. Bùi Thị Mai Hương, Phó trưởng khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, E.coli (Escherichia coli) là một loài vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như E.coli O157:H7 có thể gây tử vong.

Trong quá trình đánh bắt nếu bảo quản không tốt, cá không còn tươi, chế biến kém vệ sinh, E.coli rất dễ xâm nhập vào cá. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm E.Coli rất dễ bị tiêu chảy. Nếu cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt có thể tự hồi phục trong một vài ngày nhưng với những người có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ nguy hiểm tính mạng.

Để hạn chế các rủi ro từ việc ăn cá, khi mua cá nên chọn cá tươi, cá chết không nên mua. Hiện nay có rất nhiều công ty thủy sản cung cấp cá ướp lạnh, nếu có nhãn mác, bao bì đúng quy định thì ăn cá đông lạnh còn tốt hơn cá tươi vì việc cấp đông tức thì giúp giữ nguyên chất lượng cá tươi ngon.

Ăn toàn phần

Tại nhiều hội thảo, TS Từ Ngữ, chuyên gia dinh dưỡng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam đã chia sẻ về những kinh nghiệm ăn uống lành mạnh và cân đối, đặc biệt là ăn cá sao cho được lợi nhất. Theo ông, cá nên chọn cá nhỏ và ăn toàn phần, cả xương và đầu.

Trong một con cá, phần đầu có nhiều lipid, phần thân có nhiều protein, phần xương có nhiều canxi. Cá sống ở dưới nước thì có rất nhiều vi chất, đặc biệt là kim loại như đồng, kẽm, sắt. Khi ăn cá, nên ăn cá tươi, đã nấu chín. Cá sống luôn tiềm ẩn vi khuẩn và ký sinh trùng, một trong số đó là sán dây.

Loại ký sinh trùng này có thể cư trú trong ruột của người suốt nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1- 2 mét và gây ra những cơn đau quằn quại, giảm cân và bệnh thiếu máu ở vật chủ. Vì vậy ăn cá nấu chín vẫn là an toàn nhất.

Giảm nguy cơ tim mạch

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng cho rằng, ăn cá thường xuyên giúp hạ huyết áp, giảm nhịp tim bất thường và giảm nguy cơ mắc bệnh tim chết người. Với những tính năng nổi bật về hàm lượng dinh dưỡng cũng như các khoáng chất, giàu axít béo omega-3, hàm lượng chất béo thấp sẽ cải thiện lưu lượng máu, ngăn chặn bệnh tim mạch do giảm nồng độ triglyceride trong máu và giảm hiện tượng máu bị vón cục dẫn tới tắc nghẽn mạch máu.

Mặt khác trong cá có chứa chất EPA một dạng axit béo không no có thể giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. Do đó, nếu muốn có một trái tim khỏe mạnh thì nên bổ sung cá vào thực đơn ăn uống của mình. Về lợi ích sức khỏe do việc ăn cá mang lại từ axít béo Omega-3, các chuyên gia khuyến cáo, axít béo Omega-3 giúp các tế bào của người hoạt động.

Vì cơ thể của chúng ta không đủ loại axit thiết yếu này nên chúng ta phải hấp thu chúng từ thực phẩm. Các loại cá giàu axít béo Omega-3 như cá hồi, cá trích, các thu, cá mòi. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho rằng, nên ăn 2 bữa cá mỗi tuần, đặc biệt là những loại cá có chứa hàm lượng axít béo Omega-3 cao.

Người cao tuổi ăn cá để cải thiện trí nhớ

Cũng vì cá chứa Omega-3 tốt cho não bộ, giúp tăng cường trí nhớ nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, khi chế biến cá nên luộc, hấp, bỏ lò giúp bảo tồn lượng Omega-3, không làm tăng cholesterol do chiên, rán.

Cần lưu ý, khi mua không nhất thiết phải chọn cá tự nhiên, có thể ăn cá nuôi thả trong lồng vì hàm lượng axít béo Omega-3 phụ thuộc vào từng loại cá. Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi rất giàu Omega-3 dù chúng được nuôi nhốt hay sinh trưởng trong tự nhiên.

Nếu ăn được cá thì tốt nhất ăn cá để bổ sung Omega-3 vì cơ thể sẽ hấp thu được hết dưỡng chất này. Một số nghiên cứu của Mỹ đối với người có nguy cơ bệnh tim cao, khi dùng thực phẩm và dược phẩm bổ sung Omega-3 đã không hiệu quả như ăn cá.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top