Ai đào tạo giáo viên kém chất lượng?

Cứ nói giáo viên kém chất lượng, ù lì, cần phải “thanh lọc”, “thay máu” cho ngành giáo dục, nhưng thử hỏi: Ai là người đào tạo nên đội ngũ này? Cái gốc không phải là việc bỏ biên chế, mà phải siết chặt nơi đào tạo giáo viên, đào tạo các ngành sư phạm, thay đổi cơ chế”, cô giáo Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội chia sẻ.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ai-dao-tao-ra-giao-vien-kem-chat-luong-2-300x261.jpg

Cô giáo Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Không làm nghề nữa thì sống bằng gì?

Đề xuất bỏ biên chế ngành giáo dục khiến các giáo viên ngổn ngang nhiều tâm tư, nỗi niềm. Là một giáo viên trong biên chế nhiều năm, tâm trạng của cô thế nào?

Nếu như bài báo này đến được với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thì tôi rất muốn hỏi Bộ trưởng một câu: Nếu sát hạch biên chế, bỏ biên chế theo kiểu này thì có một lượng rất lớn giáo viên hiện nay trong biên chế có thể buộc phải rời nghề, không làm nghề nữa thì họ sống bằng gì?

Có thể coi đây là sự lo lắng, hoang mang không?

Tôi thấy là nỗi bức xúc về sự bất hợp lý thì đúng hơn. Bởi những giáo viên đó đều bỏ rất nhiều thời gian học các chuyên ngành sư phạm, nhiều năm cống hiến cho nghề. Bằng cấp họ có đầy đủ, trình độ họ có theo quy định của Bộ, các kỳ thi tuyển cũng đúng theo quy trình của các sở. Vậy thì lý do gì đẩy họ ra khỏi biên chế, mất công ăn việc làm ổn định?

Một trong những lý do được cho là nhiều giáo viên khi vào được biên chế rồi, vì tâm lý an tâm mà không chịu đổi mới, trau dồi, dẫn tới sự trì trệ. Nếu bỏ biên chế, sau 2 năm giáo viên không đạt yêu cầu, bị sa thải sẽ khắc phục được điều này. 

Việc 2 năm giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ bị đào thải là chuyện công bằng nếu như việc sát hạch minh bạch và chính xác. Nhưng liệu Bộ trưởng có đảm bảo được điều này? Nếu làm không cẩn thận thì lại sa vào một mớ bòng bong.

Nhưng sự cạnh tranh trong nghề nghiệp, chọn được những cá nhân ưu tú nhất sẽ tốt hơn cho ngành giáo dục chứ? Nếu họ có năng lực thì sao phải sợ sự đào thải?

Theo tôi, giáo viên cũng giống như các ngành nghề khác trong xã hội đều phải đi theo nhu cầu xã hội, nói là ì, trì trệ cũng chỉ là bộ phận rất nhỏ. Bởi người giáo viên nếu không thay đổi thì tự bản thân đào thải mình rồi, chẳng cần ai đào thải.

Học sinh giờ rất thông minh, nếu như giáo viên không đem lại điều gì mới mẻ, các em sẽ chán ngay. Trường tôi cuối năm nào cũng có cuộc khảo sát học sinh đánh giá các giáo viên. Học sinh sẽ cho ý kiến thầy cô này dạy có dễ hiểu không, phương pháp tốt không… Đó cũng là một kiểu sát hạch riêng rồi, chưa cần đến ngành giáo dục.

Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, có vào và có ra. Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu giáo viên nên Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Thông tin này đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, với nhiều ý kiến trái chiều.

Gốc nằm ở cơ chế đào tạo

Như vậy, nếu chỉ để bỏ sức “ì” trong giáo dục, không có nghĩa lời giải nằm ở bỏ biên chế?

Nếu nói rằng bỏ biên chế để tạo cú hích hay “thay máu” cho ngành giáo dục thì theo tôi chỉ là giải quyết ở phần ngọn vấn đề. Cứ nói rằng một bộ phận giáo viên này kia chưa đủ trình độ, đạt chất lượng, nhưng thử hỏi bộ phận này ở đâu ra? Ai đào tạo ra?

Như bản thân tôi, phấn đấu đủ đạt điểm để vào được trường sư phạm tốp đầu đã là vất vả, học cho đến khi cầm được bằng ra trường, thi công chức, qua bao nhiêu kỳ sát hạch, bao nhiêu năm giảng dạy. Vậy mà theo quan điểm của Bộ, chừng ấy vẫn chưa đủ để tôi làm nghề của mình hay sao?

Vậy theo cô cái gốc vấn đề nằm ở đâu?

Theo tôi, cái gốc là phải là siết chặt quản lý nơi đào tạo các ngành sư phạm. Chẳng hạn mặt bằng giữa các trường sư phạm, giữa các trường sư phạm chuyên và khoa sư phạm của các trường đại học hiện nay có sự chênh lệch rất lớn. Sự chênh lệch trình độ, năng lực giáo viên không đồng đều, theo tôi nó nằm ở cơ chế đào tạo.

Nếu siết chặt quản lý và có phương thức thật phù hợp cho việc đào tạo ngành sư phạm thì chất lượng ngành giáo dục sẽ được nâng lên. Chứ giữ nguyên một cơ chế như hiện hành, thì như một cái bao chật hẹp, cứ cố nhồi nhét thứ cồng kềnh vào thì làm sao nhồi được

Nói như vậy, thì việc một giáo viên yếu kém khi ra trường, sẽ là sản phẩm của cơ chế đào tạo, thuộc trách nhiệm của Bộ giáo dục, chứ không hẳn của bản thân họ?

Quan điểm của tôi là nếu Bộ Giáo dục muốn “thay máu” ngành giáo dục thì phải làm ngay từ kỳ tuyển sinh ngành sư phạm năm nay. Như vậy 4 năm sau Bộ sẽ có loạt “máu mới” để thay rồi. Còn không đổi mới cơ chế, cả mớ cồng kềnh phía sau, nói thật bản thân chúng tôi cũng chỉ là nạn nhân thôi. Giờ nói giáo viên không đủ trình độ, nhưng thử hỏi ai đã sát hạch cho họ vào trường sư phạm, ai phê chuẩn cho họ cầm bằng ra trường?

Lo ngại thầy chỉ như người làm thuê

Có ý kiến cho rằng, sự phản đối bỏ biên chế chủ yếu đến từ các giáo viên trường công lập, với lý do các giáo viên không muốn mất đi sự ổn định đối với nghề. Sự ổn định có ý nghĩa như thế nào đối với nghề giáo?

Nghề giáo luôn gắn liền với đồng lương thấp. Nhiều giáo viên phải làm nghề tay trái để có thêm thu nhập, thậm chí thu nhập từ nghề tay trái còn cao hơn nghề chính. Vậy điều gì giúp họ vẫn bám trụ với nghề? Một phần đến từ tâm lý có sự ổn định trong một ngành nghề đặc biệt, được xã hội coi trọng. Điều đó là động lực giúp họ, trong đó có tôi vượt qua nhiều khó khăn, có được sự thanh thản, an nhiên.

Việc bỏ biên chế có liên quan gì tới điều này?

Một đồng nghiệp của tôi dạy ở trường dân lập có nói rằng học sinh có tâm lý giáo viên chỉ là người làm thuê, không thực sự tôn trọng giáo viên đúng truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhất là một số “cậu ấm cô chiêu” có suy nghĩ kiểu: bố mẹ tôi bỏ tiền ra, thì việc dạy dỗ tôi là nhiệm vụ của các “ông, ba”.

Cũng không thể dự đoán được, sau khi bỏ biên chế thì mối quan hệ thầy trò thế nào. Nhưng theo trải nghiệm của tôi, khi trường học được “công ty hóa”, thì nỗi lo đó hoàn toàn có thể xảy ra, trường học không phải là môi trường đặc biệt, thiêng liêng nữa.

Giả sử nếu đề xuất này được thông qua, thì cô có kiến nghị gì?

Theo tôi phải nghiên cứu một lộ trình thật là khoa học, chỉn chu, phải là khâu hoàn thiện chặt chẽ từ trên xuống dưới vì nó liên quan tới rất nhiều vấn đề, đặc biệt là quyền lợi sát sườn của các giáo viên hiện nay đứng trong biên chế giáo dục.

Và nếu bỏ biên chế thì phải thực hiện một cơ chế công bằng trải dài từ Bộ trưởng tới hiệu trưởng. Vì chẳng có lý do gì giáo viên là người trực tiếp thực hiện làm nghề,  gắng hết sức mình để giúp cho ngành giáo dục “thay máu”, phát triển thì chịu sự “bấp bênh”. Còn những người đứng trên họ, để mà đánh giá họ thì lại ăn lương cố định, đó là sự phi lý.

Trân trọng cảm ơn cô!

Mai Loan

(thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top