Ai cũng có nguy cơ mắc glocom

(khoahocdoisong.vn) - Theo ước tính của Tổ chức Y tế tgiới (WHO), năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glocom, dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, bệnh glocom đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù trên thế giới. Ở Việt Nam, 65% bệnh nhân bị mù hai mắt do bệnh lý glocom.

Nguy cơ cao ở người trên 40 tuổi

Glocom là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glocom là mù loà vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục. Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm vì bệnh chủ yếu diễn tiến âm thầm, cướp đi thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo TS.BS.Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng chuyên môn bệnh viện Mắt Hà Nội 2, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glocom, đặc biệt là những người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glocom, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống...

Bệnh glocom không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị glocom là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Người mắc bệnh glocom có thể duy trì thị lực bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Để giúp các bác sĩ nhãn khoa Việt Nam cập nhật kiến thức về cách điều trị bệnh, bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội và Viện Save Sight thuộc trường Y khoa của Đại học tổng hợp Sydney, Úc vừa tổ chức hội thảo đào tạo liên tục glocom với sự chia sẻ từ các giáo sư đến từ bệnh viện Mắt Sydney, giảng viên đại học Sydney…

Theo các chuyên gia, bệnh glocom hay còn gọi là thiên đầu thống, cườm nước thực chất là bệnh tăng nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Trong các bệnh gây mù lòa về mắt, bệnh glocom được xếp vào loại mù lòa không chữa được. Đây là bệnh lý của dây thần kinh thị giác, bệnh gây tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: Tổn hại trường nhìn (vùng mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm, tổn hại thị lực trung tâm và dẫn đến mù lòa.

Glocom ở trẻ em

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, BV Mắt Hà Nội 2 cho biết, glocom bắt gặp ở cả trẻ sơ sinh. Thực tế đã có bệnh nhân mới có vài tháng tuổi đã mắc bệnh glocom đến khám, đây là dạng bệnh glocom bẩm sinh. Thông thường để phát hiện bệnh, bác sĩ phải đo nhãn áp nhưng có thể chẩn đoán qua thăm khám. Trẻ mắc bệnh thường sợ ánh sáng, có xu hướng quay đầu vào chỗ tối, khi nhìn dễ thấy giác mạc của trẻ to hơn bình thường, trẻ hay chảy nước mắt, nếu không được điều trị sớm, trẻ sẽ teo thị thần kinh dẫn đến mù. Tùy vào giai đoạn bệnh mà trẻ được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Theo các chuyên gia, bệnh glocom ở trẻ em có thể được phát hiện từ khi còn rất nhỏ. Nếu không chẩn đoán kịp thời sẽ gây tổn hại cho mắt, làm cho mắt giãn lồi to ra, gây ảnh hưởng thần kinh thị giác dẫn đến mù.

Để phát hiện bệnh glocom, theo các chuyên gia, bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, sau những sang chấn tinh thần. Biểu hiện của bệnh là mắt bị đau đột ngột, nhức mắt lan lên nửa đầu cùng bên. Bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ, người bệnh buồn nôn, nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ, nhãn cầu căng cứng, sợ ánh sáng, mắt sưng, đỏ, giác mạc phù nề mờ đục.

Nếu gặp phải trường hợp này, người bệnh cần đi khám ngay. Khi đó bác sĩ sẽ đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng, cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh để xác định có những tổn thương do glocom hay không và có hướng điều trị.

Theo các chuyên gia, để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, những người từ 40 tuổi trở lên cần đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Theo Đời sống
back to top