Ả Rập là 'nền tảng' trong cuộc di cư sớm của con người ra khỏi châu Phi

Nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về bộ gene của người Ả Rập đã tiết lộ bộ tộc người cổ đại nhất trong tất cả các dân tộc ở Trung Đông hiện đại và làm sáng tỏ cách con người hiện đại đi cư rộng lần đầu tiên trên toàn cầu.
a-rap.jpg

Bán đảo Ả Rập - ngày nay bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - từ lâu đã đóng vai trò là ngã tư quan trọng giữa châu Phi, châu Âu và châu Á. Những phát hiện khảo cổ, hóa thạch và ADN gần đây đã tiết lộ thêm về cách con người hiện đại lần đầu tiên thoát khỏi châu Phi và đi đến phần còn lại của thế giới.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích quy mô lớn đầu tiên về di truyền của dân Trung Đông, kiểm tra ADN của 6.218 người trưởng thành được tuyển chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu sức khỏe Qatar và so sánh với ADN của những người sống ở các khu vực khác trên thế giới hiện nay và của người cổ đại từng sống ở châu Phi, châu Âu và châu Á.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ADN từ các nhóm người Trung Đông đã đóng góp đáng kể về mặt di truyền cho các cộng đồng châu Âu, Nam Á và thậm chí Nam Mỹ.

Younes Mokrab, người đứng đầu phòng thí nghiệm gene dân số và y tế tại Sidra Medicine ở Doha, Qatar nói: “Tổ tiên Ả Rập là thành phần tổ tiên quan trọng trong nhiều dân tộc hiện đại. Điều này có nghĩa là những gì được phát hiện ở khu vực này sẽ có tác động trực tiếp đến các quần thể ở nơi khác."

Những phát hiện mới cũng cho thấy tổ tiên của các nhóm người từ Bán đảo Ả Rập, khoảng 90.000 năm trước, đã tách ra từ những người châu Phi ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là khoảng thời gian tổ tiên của người châu Âu và Nam Á tách ra khỏi người châu Phi thời kỳ đầu. Họ ủng hộ ý tưởng rằng con người di cư từ châu Phi đến phần còn lại của thế giới thông qua Ả Rập.
Theo Mokrab, Ả Rập là nền tảng trong những cuộc di cư sớm ra khỏi châu Phi.

Sau đó, các nhóm người ở Bán đảo Ả Rập dường như đã tách ra khỏi tổ tiên của người châu Âu khoảng 42.000 năm trước và tiếp theo là Nam Á khoảng 32.000 năm trước. Trước đây, dân số Ả Rập được coi là phát sinh từ các nhóm dân cư châu Âu rộng lớn.

Sau khi con người hiện đại rời châu Phi, họ gặp những dòng giống người hiện đã tuyệt chủng khác, chẳng hạn như người Neanderthal và người Denisovan – những người mà tổ tiên của họ đã rời khỏi châu Phi từ rất lâu trước khi con người hiện đại đến và hầu như chỉ được tìm thấy ở châu Âu, châu Á.

Mokrab cho biết: “Các mốc thời gian được phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi về thời điểm người Ả Rập tách khỏi các dân tộc khác giải thích tại sao ADN của người Neanderthal hiếm hơn ở các quần thể dân số Ả Rập so với các quần thể sau này trộn lẫn với hominin (bao gồm con người, tinh tinh và các tổ tiên đã tuyệt chủng) cổ đại”.

Hơn nữa, sau khi so sánh bộ gene người hiện đại với ADN của người cổ đại, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một nhóm người độc nhất ở bán đảo Ả Rập có thể là họ hàng gần nhất của những người nông dân, người săn bắn hái lượm được biết đến sớm nhất ở Trung Đông cổ đại.

Các nhà khoa học lưu ý rằng các nhóm tổ tiên người Ả Rập đã trải qua nhiều lần chia tách từ 12.000 đến 20.000 năm trước. Điều này trùng hợp với cách mà khu vực Ả Rập trở nên khô hạn hơn.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra tỷ lệ giao phối cận huyết cao trong một số nhóm người ở bán đảo Ả Rập có từ rất xa xưa, có thể là do bản chất bộ tộc của những nền văn hóa này làm tăng rào cản đối với việc kết hôn giữa các nhóm bộ tộc bên ngoài.

Giao phối cận huyết có thể làm nổi bật những đột biến hiếm gặp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì vậy những phát hiện mới này có thể giúp tìm ra nguyên nhân của một số rối loạn di truyền, giúp y học chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh trong các cộng đồng.

Theo livescience.com
back to top